"Xóm ve chai" giữa lòng thành phố
“Nhôm nhựa bán không???”...Giữa ồn ào phố xá vẫn nghe văng vẳng tiếng rao gắn liền với hình ảnh những người phụ nữ lầm lũi với đôi quang gánh trên vai hoặc trên chiếc xe đạp cọc cạch. Họ đều là những người nông dân đến từ các miền quê nghèo, tụ hợp lại với nhau thành “Xóm ve chai”.
Nơi quần tụ những người “ly hương”
Những “Xóm ve chai” ấy nằm ẩn sau những ngôi nhà khang trang trên các đường phố to đẹp. Gọi là “xóm” nhưng thực ra đó chỉ là những dãy phòng trọ thuê, quy tụ gần 100 người đến từ các vùng quê nghèo. Phần lớn họ đều là người xã Cát Hưng, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, vì làm ruộng không đủ chi tiêu nên dạt lên Buôn Ma Thuột làm nghề mua bán nhôm nhựa, đồng nát. Ban đầu chỉ một người đi, sau thấy nghề này sống được, họ lại dẫn họ hàng, người cùng xóm đi theo. Dần dà, “Xóm ve chai” của riêng xã Cát Hưng đã có khoảng 80 người, tập trung gần nhau trên đường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Siêu, Nguyễn Thị Minh Khai, Phùng Chí Kiên và rải rác trên khu vực Km 3,…
“Xóm ve chai” thường nằm “hút” trong những con hẻm ngoằn ngoèo với các dãy nhà trọ cũ kỹ, các mảng tường vôi bong tróc. Trên đường Phạm Ngũ Lão, phải khó khăn lắm chúng tôi mới phát hiện lối vào “xóm". Đó là một con hẻm bề ngang chỉ khoảng 0,8 m nằm bên hông một ngôi nhà khá to đẹp. Những dãy phòng trọ cũ kỹ, xập xệ được xây dọc lối đi, mở ra phía sau khu sinh hoạt chung của cả “xóm” chỉ khoảng 15 m2. Lúc này “Xóm ve chai” vắng người, chỉ có lác đác vài đứa trẻ đang nô đùa với nhau. Vừa về phòng để tránh cơn mưa chiều, chị Văn Thị Thủy (41 tuổi) nói: “Giờ này chưa có ai về đâu. 7 giờ tối mới tụ họp về”. Thu nhập bấp bênh mà chi phí chỗ trọ, ăn uống đắt đỏ nên những người buôn bán ve chai chủ yếu sống trong những khu nhà trọ tồi tàn, ẩm thấp, ánh sáng hắt qua những lỗ hổng của mái tôn rỉ sét, mùa hè oi bức, mùa đông thì lạnh. Khu sinh hoạt chung của “xóm” lại không đảm bảo điều kiện vệ sinh khi vừa là chỗ phân loại các đồ phế thải hôi bẩn sau mỗi ngày thu lượm, vừa là chỗ nấu ăn, tắm rửa.
Hàng ngày chị Thủy vẫn đi khắp các con hẻm trong phố để thu mua nhôm nhựa. |
Đã làm nghề ve chai 19 năm nơi “đất khách quê người” chị Thủy tâm sự: “Khi đó khổ quá đành dứt ruột bỏ lại đứa con mới mười tháng tuổi, đến nay nó đã học trung cấp ngành thời trang, may mặc năm đầu rồi, đi làm ban ngày tất tả ngược xuôi thì thôi chứ đêm về lại khóc nhớ con”. Vì mưu sinh nên chị phải xa chồng và ba đứa con, hai tháng mới về thăm nhà một lần. Theo lời chị kể, hầu như cả xóm có cùng hoàn cảnh, người thì xa vợ, người thì xa chồng, cũng có khi cả hai vợ chồng dắt díu con cái lên đây sinh sống cùng làm nghề ve chai. Như chỗ chị đang ở có 12 người, gồm 4 cặp vợ chồng và mấy trẻ nhỏ. Đàn ông thì đi xe máy lặn lội về tận các huyện, đàn bà thì cọc cạch trên chiếc xe đạp hoặc quảy đôi quang gánh rong ruổi khắp mọi ngõ hẻm trong thành phố mua sắt vụn; thường mỗi người kiếm được khoảng 100.000 đồng/ngày, có ngày thấp nhất chỉ được 10.000 đồng. Đều là anh em, hàng xóm trong xã Cát Hưng nên họ rất thân thiết, cùng nhau chia sẻ buồn vui, no đói, mỗi khi có ai về thăm nhà thì mọi người lại gom góp những cuốn sách, quyển truyện, hay những vật dụng tái chế lại từ đồ phế thải để làm quà cho những đứa trẻ ở quê. Trút bỏ những mệt nhọc của một ngày mưu sinh, sự quan tâm đùm bọc lẫn nhau trong khó khăn có lẽ là động lực để họ vui sống, vơi bớt nỗi nhớ nhà, xa quê.
Thành quả một ngày đi hàng trăm cây số của anh Mười. |
Trong căn nhà nhỏ, đồ đạc chỉ có chiếc tivi nhỏ, quạt và mấy bộ quần áo, chị Nguyễn Thị Dung (31 tuổi) bồng con nhỏ đang bị bệnh buồn bã nói: “Hai vợ chồng tôi đều làm nghề ve chai 6 năm nay, đi suốt cả ngày con cái phải gửi nhà trẻ, nhưng mấy hôm nay đứa nhỏ bị sốt, tôi phải nghỉ ở nhà trông nom, con đỡ đau nhưng thu nhập thiết hụt hẳn”. Nhặt ve chai là nghề phải sống chung với thiếu thốn, cực khổ; nhưng thiệt thòi nhất vẫn là trẻ nhỏ, điều kiện sống hạn chế nên em nào cũng còi cọc, hay đau ốm. Điều ấm lòng là các em nhận được sự quan tâm của chính quyền nơi cư trú. Ông Trần Văn Thành – Tổ trưởng tổ dân phố 7, phường Thành Công nói: “Tất cả các hộ dân ở đây đều đăng ký tạm trú, tạm vắng nên những gia đình nào có trẻ nhỏ trong độ tuổi đều được hưởng đầy đủ chế độ tiêm chủng mở rộng và được đến trường học”.
Nhọc nhằn vượt khó nuôi ước mơ con chữ
Theo lời chị Dung, mấy tháng gần đây, giá thu mua ve chai bị giảm như nhôm từ 26.000 đồng/kg chỉ còn 23.000 đồng/kg, nhựa 7.500 đồng/kg xuống 7.000 đồng/kg, sắt 6.500 đồng/kg xuống 6.000 đồng/kg… trong khi giá xăng tăng, kéo theo giá tiêu dùng cũng tăng khiến khó khăn thêm chồng chất. Anh Nguyễn Mười (40 tuổi) thở dài: “Bây giờ phải ăn tiêu tằn tiện lắm, trước kia ít người buôn bán ve chai thì nguồn hàng còn dồi dào, giờ nhiều người cùng làm, đi hàng tiếng đồng hồ mới mua được một món hàng, các đại lý lại hay giảm giá thu mua nên đời sống có khó khăn hơn”. Nghề ve chai đôi khi còn chịu sự khinh thường, nghi ngờ. “Tôi hỏi mua một cái đầu đĩa đã cũ nát mười mấy ngàn đồng, họ cười mỉa nói rẻ vậy thà giữ lại làm kỷ niệm còn hơn; rồi tức giận đuổi tôi ra khỏi nhà”. Chị Dung tiếp lời: “Tôi còn bị nghi là ăn cắp đấy, nhà họ bị mất đồ, tôi vừa xuất hiện để mua nhôm nhựa thì họ kêu tôi lấy trộm đồ, nghĩ mà tủi nhưng không biết làm cách nào giải thích để người ta hiểu”. Nghề ve chai ai cũng có thể làm được, chỉ cần một số vốn nhỏ, biết được giá mua các loại sắt, nhôm, nhựa; đồng thời trang bị một chiếc xe, một cái cân tay là hành nghề được rồi. Nhưng cực khổ thì không sao kể xiết, họ phải dãi nắng dầm mưa cả ngày, tay chân bị trầy xước vì sắt thép. “Nghề này khổ quá, nhưng cũng cố gắng làm kiếm tiền nuôi con cái ăn học, sau này nó đỡ vất vả như mình” anh Nguyễn Bá (42 tuổi) nói. Những người ở “Xóm ve chai” luôn cố gắng bám trụ với nghề, vượt lên trên mọi khó khăn bởi họ biết đây là miếng cơm manh áo của cả gia đình, giúp họ nuôi dưỡng ước mơ về ngày mai tươi sáng. Tôi còn nhớ ánh mắt rạng ngời hạnh phúc của chị Thủy khi chị khoe: nhờ thu mua nhôm nhựa mà từ mái nhà tranh xiêu vẹo đã xây được nhà ở Bình Định, nuôi ba con ăn học. Còn các gia đình khác cuộc sống có khá hơn trước, cũng dành dụm được ít vốn liếng, tất cả đều cho con học hành đến nơi đến chốn. Đối với họ, giây phút hạnh phúc nhất là khi mua được nhiều ve chai, chở đầy cả chiếc xe, vì khi đó họ lại có thêm tiền để xây đắp cho ước mơ thêm gần.
Tuy nhiên, nghề ve chai cũng làm ảnh hưởng đến môi trường. Tôi đã từng nhìn thấy một hình ảnh khá phản cảm: Giữa dòng xe cộ ngược xuôi, một người ve chai dựng chiếc xe đạp bên đường và thản nhiên đào bới rác trong thùng. Những gì nhặt được, họ cho vào giỏ, những gì không dùng được, họ vô tư ném lại bên vệ đường, gây mất mỹ quan đô thị. Ngay nơi họ ở, việc tập trung các đồ phế thải làm mất vệ sinh cũng không thể tránh khỏi. Chia sẻ về vấn đề này, ông Thành cho biết: “Hai năm trở về trước, khu phố này khá mất vệ sinh vì những người nhặt ve chai vứt những đồ phế thải không dùng đến ra đường, nhưng nhờ tổ khu phố tích cực tuyên truyền, giáo dục họ đã ý thức được việc làm của mình và góp phần giữ vệ sinh chung”.
Xóm ve chai – xóm của những thân phận nghèo vẫn ẩn mình sau những ngôi nhà cao tầng khang trang. Ở đấy có những con người vẫn ngày ngày cần mẫn đạp xe khắp phố, với tiếng rao: “Ai nhôm nhựa bán không???”.
Thùy Duyên
Ý kiến bạn đọc