Báo động tình trạng lạm dụng kháng sinh (Kỳ 1)
Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới, Việt Nam nằm trong danh sách những nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất. Điều này có nguyên nhân từ việc sử dụng kháng sinh một cách tùy tiện, bừa bãi...
Kỳ 1: Sử dụng kháng sinh vô tội vạ
Kháng sinh được cả thầy thuốc và bệnh nhân xem như một phương thuốc thần diệu cho nhiều loại bệnh, ngay cả khi bệnh không cần dùng đến loại thuốc này…
Bệnh nhân “chuộng” kháng sinh
Một lần đi khám vì bị đau họng, chị H. (phường Tân Hòa, TP.Buôn Ma Thuột) được bác sĩ kê cho đơn thuốc trong đó có kháng sinh. Uống khoảng 3 ngày thấy đỡ, từ đó chị H. cứ thấy biểu hiện rát họng là lại tự mua những loại thuốc theo đúng như đơn thuốc đó uống. Đến nỗi, có bệnh gì đi khám bác sĩ, cầm đơn thuốc là chị lại hỏi: “Có kháng sinh không bác sĩ?”. Còn chị T. (phường Tự An) có cô con gái nhỏ chừng 2 tuổi. Từ khi đi học mầm non, bé cứ đau ốm liên miên, từ viêm đường hô hấp đến sốt, đau mắt, tiêu chảy… Cứ mỗi lần bé đau ốm như vậy, chị T. đưa con đi khám, bác sĩ kê cho vài liều kháng sinh là bé đỡ, lại đi học được. Do sức khỏe cháu yếu, hay bị đau ốm nên mỗi khi con đau là chị lại tự động đi mua thuốc, trong đó có kháng sinh cho con uống; thậm chí có khi triệu chứng bệnh chưa thực sự nghiêm trọng, mới chỉ hắt hơi, sổ mũi hoặc sốt nhẹ, chị đã cho con uống thuốc để “triệt từ gốc”. Cứ vậy, có tháng bé phải dùng đến 2-3 đợt kháng sinh. Uống thuốc nhiều đến nỗi, cứ mỗi lần bé thấy mẹ pha thuốc là tự động há miệng ra uống, chẳng cần ép buộc như trước. Giống như chị T., trải qua thời gian nuôi 3 đứa con rất vất vả, ra vô bệnh viện như cơm bữa nên bây giờ cứ thấy cháu ngoại/nội ốm là bà N. (phường Tự An) rất sợ. Cháu sốt, ho, sổ mũi một chút là bà lại giục các con “đi mua thuốc về cho nó uống”. Các con cự nự thì bà rầy: “Hồi bé chúng mày toàn uống kháng sinh mà vẫn lớn khôn đấy thôi”.
Không chỉ uống thuốc tùy tiện, bừa bãi, nhiều người bệnh còn uống không đủ liều. Kháng sinh là loại thuốc uống phải sử dụng đúng liều lượng, tùy theo tình trạng bệnh và từng loại thuốc mà uống một liều duy nhất hay 5 ngày, 7 ngày, 10 ngày. Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng biết điều đó. Có nhiều người được bác sĩ kê thuốc uống trong 5 ngày, nhưng uống được 3 ngày thấy triệu chứng bệnh giảm hẳn thì dừng luôn, bởi lý do “đỡ rồi thì thôi, uống nhiều thuốc mệt người”, hoặc “tôi thuộc dạng khó uống thuốc, bất đắc dĩ mới phải uống, đỡ rồi thì thôi”. Chủ một nhà thuốc ở huyện Buôn Đôn bộc bạch: “Nhiều người đến mua thuốc để uống mà chỉ mua 2 - 3 ngày, trong khi đơn thuốc bác sĩ cho uống 5 ngày; thậm chí có người chỉ mua 1-2 liều (tức là uống trong 1 ngày). Những lúc như thế, tôi bán thuốc cũng thấy áy náy vì biết là họ uống thế cũng chẳng ích gì, nhưng họ yêu cầu như vậy nên không bán không được”.
Khi con bị ốm, cha mẹ cần đưa con đến khám bác sĩ chứ không nên tự ý mua thuốc cho uống (Trong ảnh: Khám bệnh cho trẻ em tại một phòng khám tư ở TP. Buôn Ma Thuột). |
Thầy thuốc cũng “lạm dụng”
Thực tế cho thấy hiện nay nhiều bác sĩ kê quá nhiều loại thuốc trong cùng một đơn thuốc, có khi đến 2-3 loại kháng sinh, hoặc thay vì sử dụng kháng sinh uống thì lại tiêm khi chưa cần thiết. Một bác sĩ nhi khoa có nhiều kinh nghiệm cho biết: “Kháng sinh không có tác dụng đối với siêu vi (vi rút) mà chỉ có tác dụng đối với vi trùng (bacteria). Hầu hết trường hợp ho cảm (viêm họng, nhiễm khuẩn hô hấp trên, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản), ói, tiêu chảy, hay sốt ở trẻ em là do siêu vi gây ra. Vậy mà rất nhiều bé phải uống hoặc tiêm kháng sinh chỉ vì những bệnh do siêu vi”. Thông tin từ đề tài nghiên cứu “Đánh giá việc sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm phổ ở trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi tại khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Dak Lak năm 2013” của bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cũng khẳng định: các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó khoảng 2/3 là do vi rút (đồng nghĩa với việc không phải sử dụng kháng sinh trong điều trị - PV), chỉ 1/3 là do vi khuẩn cần dùng đến kháng sinh, song trên thực tế việc sử dụng kháng sinh trong điều trị các bệnh này luôn vượt quá con số 1/3 nói trên.
Nhiều bậc cha mẹ cho biết mỗi lần đưa con đi khám bác sĩ thì hầu như đều nhận được đơn thuốc có kháng sinh. Chị Th. (phường Tân Thành, TP.Buôn Ma Thuột) băn khoăn: “Mỗi lần con sốt, tôi cố gắng duy trì 2-3 ngày chỉ uống hạ sốt và chườm mát xem thế nào rồi mới đưa cháu đến bác sĩ. Mặc dù đọc rất nhiều tài liệu rằng đối với trẻ dưới 2 tuổi thì 80-90% triệu chứng ho, sổ mũi là do vi rút, bé sẽ tự khỏi, dù thời gian kéo dài từ 7-10 ngày. Nhưng nếu không cho con đi khám thì không yên tâm, mà cho đi khám thì thế nào trong đơn thuốc cũng có kháng sinh”. Còn chị H. (huyện Krông Pak) vẫn nhớ lần cô con gái nhỏ chưa đầy 2 tuổi bị ho, sổ mũi. Chị đưa con đi khám tại một cơ sở y tế ở TP. Buôn Ma Thuột thì bác sĩ chẩn đoán là cháu bị viêm phổi rồi chỉ định tiêm kháng sinh. Sau lần ấy, cô con gái của chị H. ngày càng còi cọc, suy dinh dưỡng và vẫn thường xuyên bị nhiễm khuẩn hô hấp, lần nào cũng phải dùng kháng sinh liều cao mới đỡ.
Một bác sĩ nhi khoa tâm sự: “Tâm lý của người bệnh thường muốn nhanh khỏi, nên khi khám không kê kháng sinh thì bệnh nhân lại thắc mắc. Có những bệnh mà thầy thuốc biết là do vi rút gây ra, bệnh sẽ tự khỏi dù thời gian để cơ thể chống lại bệnh tật thường kéo dài từ 7-10 ngày, song bệnh nhân thường không kiên nhẫn chờ đợi, cứ đi khám bác sĩ là muốn uống thuốc để khỏi ngay. Bên cạnh đó, để bệnh mau khỏi, tránh biến chứng nặng, các bác sĩ thường có xu hướng dùng thuốc theo kiểu “bao vây”, “dập bệnh từ đầu”. Quả thật, có những trường hợp người bệnh cứ truyền tai nhau: thầy thuốc này uống thuốc mau khỏi, thầy thuốc kia cho thuốc uống mãi không thấy đỡ. Bởi vậy, bác sĩ muốn có tiếng, kéo được đông bệnh nhân thì đành phải chiều lòng người bệnh. Bên cạnh đó, mặc dù theo quy định thì kháng sinh là loại thuốc kê đơn, tức là phải có đơn thuốc của bác sĩ mới được bán, song trên thực tế cho thấy cứ đến hiệu thuốc hỏi mua kháng sinh bao nhiêu cũng có, có người đùa bảo: mua kháng sinh ở hiệu thuốc dễ như… mua rau ngoài chợ!
(còn nữa)
Kim Hồng
Ý kiến bạn đọc