Thảm nhựa khi nền đường đang ướt sũng!
Đường Võ Thị Sáu chỉ dài khoảng 1km, do Công ty Xây dựng Nam Sơn trực tiếp thi công từ tháng 7-2012. Trước việc thảm nhựa khi đường còn lênh láng nước, người dân tổ dân phố 7, 8 phường Tân Lập đã tập trung phản đối. Một số người còn cho biết: trong quá trình thi công đường Võ Thị Sáu, nhà thầu để đất đá chèn lên hố ga khiến nước ngập không thoát được; kết cấu nền đường đất, cát nhiều hơn đá...
Mặt đường còn đọng nước, nhà thầu vẫn tiến hành thảm nhựa. (Ảnh chụp chiều ngày 18-7-2014) |
Theo Tiêu chuẩn ngành về Quy trình công nghệ thi công và nghiệm thu mặt đường bê tông nhựa số 22TCN 249-98 (có hiệu lực từ 15-9-1998), Bộ Giao thông - Vận tải quy định rõ: Chỉ được thi công mặt đường bê tông nhựa trong những ngày không mưa, móng đường khô ráo. Trường hợp máy đang rải gặp mưa đột ngột thì báo ngay về trạm trộn tạm ngừng cung cấp hỗn hợp; khi lớp bê tông nhựa đã được lu lèn đến khoảng 2/3 độ chặt theo yêu cầu thì cho phép tiếp tục lu trong mưa cho hết số lượt lu lèn yêu cầu; khi lớp bê tông nhựa mới được lu lèn nhỏ hơn 2/3 độ chặt yêu cầu thì ngừng lu, san bỏ hỗn hợp ra khỏi phạm vi mặt đường, chỉ khi nào mặt đường khô ráo lại thì mới được rải hỗn hợp tiếp. Sau khi mưa xong, khi cần thiết thi công gấp, cho xe chở cát đã được rang nóng ở trạm trộn (170oC - 180oC) đến rải một lớp dày khoảng 2cm lên mặt để chóng khô ráo, sau đó đem cát ra khỏi mặt đường, quét sạch, tưới nhựa dính bám, rồi tiếp tục rải hỗn hợp bê tông nhựa. Có thể dùng máy hơi ép và đèn khò làm khô mặt đường trước khi rải tiếp. Theo quy trình kỹ thuật chung, trước khi rải lớp thảm nhựa, nền đường phải được làm sạch, khô và bằng phẳng, xử lý độ dốc ngang cho đúng với yêu cầu thiết kế; nhiệt độ của bê tông nhựa trước khi rải phải bảo đảm đúng quy chuẩn để có thể liên kết bền với lớp cấp phối bên dưới; trong quá trình lu, nhất là những đợt lu đầu tiên phải kiểm tra độ bằng phẳng của mặt đường bằng thước 3m để xử lý ngay những vị trí lồi lõm. Nếu thảm nhựa mà nền đường còn ướt, thì khi nắng lên, mưa xuống, áo đường sẽ bóc ra và xô trượt lên nhau gây lượn sóng mặt đường.
Như vậy, việc nhà thầu tiến hành thảm nhựa mặt đường khi trời mưa là sai quy trình, không bảo đảm chất lượng. Đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan yêu cầu nhà thầu khắc phục triệt để các sai phạm khi thi công không tuân thủ quy trình, chỉ dẫn kỹ thuật áp dụng cho dự án, buộc phải bóc bỏ toàn bộ phần diện tích mặt đường bê tông nhựa thi công khi nền còn ướt và làm lại theo đúng yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, bảo đảm chất lượng công trình trước khi đưa vào cho người dân sử dụng.
Hữu Phước
Ý kiến bạn đọc