"Đánh đu" với thủy thần
Cách trung tâm thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông) chưa đến 10 km, hơn 4 năm nay vẫn có hàng trăm hộ dân thuộc xã Hòa Lễ phải vượt qua sông Krông Ana bằng cách đu mình trên dây cáp!
Hiểm họa khôn lường
Xã Hòa Lễ có địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn. Hiện xã có trên 12 km đường sông, bao gồm các thôn 2, 4, 5, 6, và 9 với 540 hộ, 2500 nhân khẩu nằm bên sông Krông Ana. Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 555 ha, trong đó có 158 ha nằm bên kia sông, thuộc địa phận xã Cư Kty (huyện Krông Bông) và hai xã Ea Yiêng, Vụ Bổn (huyện Krông Pak). Sông rộng khoảng 50 mét, dòng nước chảy xiết, vào mùa mưa độ sâu có thể lên đến 7 m nhưng do chưa có cầu bắc qua sông nên người dân buộc phải "liều mình" vượt dòng nước dữ bằng cách đu mình trên dây cáp. Anh Lê Văn Bình, thôn phó thôn 6, người đầu tiên nảy ra ý tưởng này cho biết: "Vượt qua sông bằng xuồng rất nguy hiểm vì khi nước dâng cao dễ xảy ra lật úp thuyền. Bơi thì càng không được vì còn có trẻ em, phụ nữ nên chúng tôi buộc phải làm cách này”. Để nối đôi bờ sông, anh đã dùng dây cáp buộc vào cọc gỗ ở hai bên bờ, rồi dùng ròng rọc có kẹp một đoạn dây để treo mình lên đó và "trượt" qua sông. Riêng thôn 6 đã có 8 chiếc dây cáp như thế gồm các đường cáp chạy song song, một dây đi và một dây về, bên này cao thì bên kia thấp, khi lắp ròng rọc vào sẽ tự động chạy một mạch sang bên kia bờ. Ngoài ra, còn có ròng rọc đôi với tấm ghế ngồi để trẻ em, phụ nữ “đu dây” dễ dàng hơn, loại này phải dùng sức để kéo, mất thời gian nên ít người sử dụng. Anh Bình nhớ lại, cách làm này đã có từ 10 năm trước nhưng ban đầu chỉ dùng để vận chuyển nông sản, 4 năm trở lại đây mới bắt đầu dùng để đi lại. Đến bây giờ, không chỉ nông sản, người lớn được đưa đi - về bằng cách đó, mà nhiều trẻ em nhỏ nhất là 8 tuổi cũng chấp nhận mạo hiểm đu theo dây cáp để đi chăn trâu, phụ giúp làm hoa màu cho cha mẹ.
Giữa trưa, ít người đi lại hai bên sông, chúng tôi lân la hỏi một cậu bé chăn trâu gần đó cỡ 10 tuổi, em nói: “Giờ này chưa có ai về đâu chị, người ta bắt đầu qua sông từ sáng, đến cuối buổi chiều mới trở về, hiện chưa vào mùa vụ nên hằng ngày chỉ có khoảng 10 người qua sông thôi”. Khi tôi hỏi em dùng ròng rọc này lần nào chưa thì em cười hồn nhiên: “Nhiều không nhớ xuể chị à, nhiều trẻ em ở đây phải qua bờ bên kia để chăn trâu, chỉ trừ con gái sợ không dám qua”. Cơn mưa kéo đến, người dân đi làm trở về sớm hơn thường lệ, ở bờ đối diện là hai vợ chồng và những bao tải chất đầy cỏ sắp “bay” qua sông. Lần đầu tiên chứng kiến một người “đu mình” trên dây cáp mỏng manh như diễn xiếc, chúng tôi không khỏi rùng mình.
Người dân “bay” qua sông bằng dây cáp đầy nguy hiểm. |
Do nạn chặt phá rừng nên dòng sông Krông Ana (chảy qua địa phận xã Hòa Lễ) vào mùa mưa càng trở nên hung dữ. Trước đây, người dân xã Hòa Lễ dùng xuồng tự chế bằng nan tre rất thô sơ để đi lại trên sông, nhưng tai nạn lật xuồng làm chết nhiều người khiến họ “ngại” đi hơn. Hiện người dân chủ yếu dùng dây cáp kéo ròng rọc qua sông, tuy thuận tiện, nhanh chóng nhưng lại ẩn chứa những hiểm họa khó lường. Là người “sáng tạo” ra nó, anh Bình chia sẻ: Ai không biết bơi thì gặp nhiều nguy hiểm vì nếu ốc vít ròng rọc rơi ra, người sẽ bị rớt xuống nước ngay lập tức. Hay xảy ra tình trạng kẹt bi, không di chuyển được chỉ còn cách... nhảy xuống sông và phó mặc cho số phận. Ngoài ra còn vô vàn những nguy hiểm khác từ tốc độ đi quá nhanh của ròng rọc, đến cách tiếp đất sao cho không bị thương... Chị Lê Thị Lành (thôn 6) kể: Hàng nông sản trên đường chuyển về bằng ròng rọc bị rớt là chuyện bình thường, đáng nói có trường hợp hai người dân bị rơi xuống sông lúc ấy đông người nên cứu kịp thời, nếu không thì...”. Chị bỏ lửng câu nói khiến chúng tôi lạnh cả người. Việc “bay” trên sông như vậy đặt người dân vào tình cảnh “lơ lửng’ giữa trời, phía dưới là dòng nước chảy xiết trong khi họ không có bất cứ đồ phòng hộ nào như áo phao, mũ nón bảo hiểm... Khi quan sát mọi người về bên này sông, chúng tôi đã chứng kiến một bao cỏ nặng hàng chục ký bị tuột khỏi dây cáp, người dân phải bơi ra giữa dòng nước đục ngầu để vớt lên. Chị Lành thở dài: “Dùng xuồng cũng không được, đu mình trên dây cáp càng nguy hiểm hơn, không biết người dân chúng tôi còn phải “liều mình” đến khi nào đây?”.
Một người phụ nữ may mắn đu dây chuẩn bị cập được vào bờ |
Bao giờ có một cây cầu?
Theo ông Võ Châu Thắng, cán bộ Giao thông - Thủy lợi xã Hòa Lễ cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có 14 chiếc ròng rọc cùng 14 sợi dây cáp căng qua sông Krông Ana để phục vụ cho 215 hộ dân sử dụng. Đến mùa thu hoạch bắp, mỗi ngày có hơn trăm người đi lại qua sông, vận chuyển khoảng 800 bao bắp. Điều đó cho thấy tính bức thiết của việc xây dựng cây cầu để người dân đi lại an toàn hơn. Vừa qua, tại thôn 9 xã Hòa Lễ đã xây dựng cầu tạm được làm bằng trụ sắt, mặt cầu lát ván để giải quyết nhu cầu đi lại sản xuất của người dân trong thôn. Cây cầu dù vẫn còn khá sơ sài nhưng phần nào giúp người dân thôn 9 tránh cảnh “đu dây” mạo hiểm. Thế nhưng, vẫn còn đó hàng trăm người dân thuộc các thôn còn lại vẫn ngày ngày dùng ròng rọc vượt sông. Trước tình trạng này, ông Đoàn Hữu - Chủ tịch UBND xã Hòa Lễ chia sẻ: "Biết người dân qua sông trên dây cáp như vậy là nguy hiểm, đe dọa tính mạng nhưng do kinh phí quá lớn, người dân lại hoạt động sản xuất trên diện tích rộng, rải rác từng vùng nên việc làm cầu treo khó thực hiện".
Trước khi chia tay chúng tôi, những người dân địa phương còn tha thiết nói: Chúng tôi rất mong có được cây cầu để đi lại an toàn, nhìn mấy đứa trẻ ngày ngày vượt sông dữ mà kinh hãi”. Niềm mong mỏi về một cây cầu giúp người dân ở đây đi lại thuận tiện hơn không biết phải đến bao giờ mới thành hiện thực?
Thùy Duyên
Ý kiến bạn đọc