Liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo: Hướng đi mới của các cơ sở dạy nghề
Liên kết với doanh nghiệp (DN) trong đào tạo đang được các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh lựa chọn. Hoạt động phối hợp này không chỉ đem lại lợi ích cho đơn vị đào tạo, nhà tuyển dụng mà còn rất thiết thực đối với học sinh, sinh viên (HS,SV).
Thêm cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên
Lễ tổng kết và trao bằng tốt nghiệp trung cấp nghề chính quy khóa 37B của Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak vừa tổ chức vào trung tuần tháng 7 thật đặc biệt. Ngoài phần lễ giống như các khóa trước, gồm: báo cáo tổng kết khóa học, trao bằng, khen thưởng những tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện, còn có thêm Ngày hội việc làm HS, SV. Đây là phần được các đại biểu, thầy cô giáo và HS, SV mong đợi nhất, bởi lần đầu tiên, nhà trường chủ động mời một số DN trong và ngoài tỉnh đến tư vấn, hỗ trợ và tuyển dụng học sinh ngay sau lễ tốt nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn về việc làm, thì đây là “cơ hội vàng” cho HS, SV trường nghề tìm kiếm một việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo và năng lực mà không phải mất nhiều thời gian. Về phía nhà trường, qua phỏng vấn, tuyển chọn lao động của các doanh nghiệp biết được người sử dụng lao động cần gì từ học sinh từ đó xây dựng, điều chỉnh nội dung đào tạo để cho ra những “sản phẩm” đáp ứng yêu cầu của thị trường. Còn về phía doanh nghiệp cũng sẽ tuyển chọn được những lao động đang cần. Em Cao Văn Bằng (TP. Buôn Ma Thuột) học ngành Điện hào hứng nói: “Tìm được một việc làm ngay hôm nay thật may mắn, nhưng nếu phỏng vấn không đạt, ít nhất cũng được một lần trực tiếp kiểm tra lại những kiến thức đã học và biết được các yêu cầu của nhà tuyển dụng để không bỡ ngỡ khi đi xin việc”. Còn em Ngô Văn Hiệp (huyện Krông Pak), học nghề cắt gọt kim khí bộc bạch: “Ở Krông Pak có rất nhiều cơ sở cơ khí, sau khi nhận bằng tốt nghiệp em sẽ trực tiếp đến các cơ sở này xin việc, nhưng biết đâu hôm nay sự may mắn sẽ mỉm cười với em!”.
Giờ thực hành Điện tử Tin học của học sinh Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak |
Để lợi ích nhân 3
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên Ralan Vonga chia sẻ: “Mấu chốt để nâng cao chất lượng dạy nghề là phải gắn nhà trường với DN. Hiện nay Trường có quan hệ hợp tác toàn diện với nhiều địa phương, hàng trăm DN trong và ngoài tỉnh, đã tiến hành đàm phán ký kết thỏa thuận hợp tác khung thời hạn 5 năm. Việc hợp tác này mang lại lợi ích cho cả 3 bên, đặc biệt tỷ lệ HS, SV sau khi tốt nghiệp có việc làm trong những năm gần đây nâng lên rõ rệt”. Theo kết quả điều tra “theo dấu vết” của Dự án Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề năm 2010 (tổ chức ILO) thì tỷ lệ HS,SV học nghề dài hạn của trường tìm được việc làm 12 tháng sau tốt nghiệp trung bình đạt gần 80%. Còn theo kết quả điều tra độc lập của WB được thực hiện đầu năm 2013 thì tỷ lệ HS, SV tốt nghiệp ra trường có việc làm là trên 70%, trong đó có hàng trăm em làm việc tại các tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Biên Hòa và xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc.
Sau Lễ tốt nghiệp, học sinh Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak được tư vấn, phỏng vấn việc làm tại trường. |
Đồng quan điểm trên, Thạc sĩ Hoàng Minh Cương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak cho biết: “Nhiều năm nay đơn vị đã phối hợp với các DN để đào tạo. Chính hình thức “cầm tay chỉ việc” đã giúp các em nắm vững kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành nghề”. Một trong những giải pháp quan trọng đang được nhiều cơ sở đào tạo - dạy nghề trên địa bàn tỉnh áp dụng bước đầu đem lại hiệu quả là tổ chức đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động; tăng cường liên kết với đơn vị sử dụng lao động để HS, SV vừa học vừa thực hành, hạn chế tình trạng “học chay”, giúp người học làm quen với công nghệ, môi trường làm việc… HS, SV được đào tạo theo hình thức này khi ra trường cơ bản đáp ứng yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động bởi vững vàng về tay nghề, được tiếp cận với công nghệ, môi trường làm việc ngay trong thời gian học.
Không dừng lại ở đó, từ năm học 2014-2015 nhà trường tiến thêm một bước là đào tạo theo địa chỉ thông qua việc ký kết biên bản ghi nhớ phối hợp, hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng HS, SV tốt nghiệp cao đẳng nghề, trung cấp nghề. Chưa vội bàn có bao nhiêu học sinh trung cấp chính quy khóa 37B của Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak tìm được việc làm và có bao nhiêu bản ghi nhớ được ký kết trong ngày hội việc làm này, nhưng chắc chắn rằng nhận thức của HS, SV sẽ thay đổi bởi được trải nghiệm qua phỏng vấn, tư vấn trực tiếp của DN. Các em biết được ngoài kiến thức, kỹ năng nghề, doanh nghiệp tuyển dụng còn cần những kỹ năng mềm khác. Điều này có thể trong quá trình học các em đã được các thầy, cô giáo truyền đạt nhưng chưa có cơ hội trải nghiệm và khi đã được trải nghiệm, thực tế qua thời gian thử việc thì ít ra cũng đã mất đi một cơ hội có được việc làm hoặc ít nhất là phí phạm một thời gian không ngắn. Ông Đỗ Văn Thành, Phó giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Viết Hiền cho biết: “Lâu nay, đơn vị tuyển dụng lao động qua các kênh thông tin truyền thông, trung tâm giới thiệu việc làm, dán hoặc phát tờ rơi. Đây là lần đầu tiên đơn vị tham gia tuyển dụng lao động trực tiếp. Ưu điểm lớn nhất của hình thức tuyển dụng lần này là tuyển chọn lao động đúng ngành nghề cần tuyển, vì vậy đỡ mất thời gian, mặt khác sẽ sòng phẳng hơn”. Ông Hiền phân tích: “Sòng phẳng ở đây là gặp gỡ lao động, trao đổi, thỏa thuận cụ thể về các điều kiện như lương, thời gian thử việc. Nếu không đi đến thống nhất sẽ không bị ràng buộc gì, bản thân DN không cảm thấy áy náy với người lao động”. Riêng bản ghi nhớ phối hợp, hỗ trợ trong đào tạo, tuyển dụng mà nhà trường đề xuất sẽ được xem xét bởi nhu cầu sử dụng lao động mỗi năm một khác.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc