Multimedia Đọc Báo in

Thông tin về vụ "Thầy lang chữa bệnh bằng… chân": Buộc ngừng hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh trái phép

09:50, 01/08/2014
Từ thông tin về vụ việc “thầy lang” Nguyễn Tứ Đình Phương (xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo) nhận chữa được nhiều loại bệnh bằng phương thuốc gia truyền với cách chữa bệnh có một không hai: dùng chân dẫm thuốc, hơ lên bếp lửa rồi đạp vào chỗ đau của người bệnh (đã đăng trên Báo Dak Lak số  ra ngày 22-4-2014), mới đây Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại cơ sở này và phát hiện nhiều sai phạm.

Tại thời điểm Thanh tra Sở Y tế có mặt, cơ sở khám chữa bệnh của ông Phương vẫn hoạt động với hơn 10 bệnh nhân (cả nội trú và ngoại trú) đang được điều trị bằng phương pháp đạp thuốc và bấm huyệt. Khi lực lượng thanh tra yêu cầu cung cấp các giấy tờ liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh, ông Phương không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào từ bằng cấp chuyên môn, giấy chứng nhận hành nghề cho đến giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền. Ông Phương biện bạch :“Tôi được truyền nghề đạp thuốc bấm huyệt từ cha nuôi chứ không học qua trường lớp của ngành Y nên không có bằng cấp về chuyên môn. Còn nguyên liệu thuốc dùng để chữa bệnh là vỏ, thân và rễ của cây huyết tử lấy từ rừng Tây Sơn (Bình Định). Đây là bài thuốc võ của cha nuôi tôi để lại. Tôi quan niệm rằng “cha truyền con nối”, mình có bài thuốc gia truyền thì đem ra giúp bà con chữa bệnh, nhất là người bệnh nghèo. Trước đây, hằng ngày tôi đi làm xây dựng nên chỉ chữa bệnh cho bà con vào buổi tối, mỗi tối chỉ khoảng 5-10 người nên tôi không đăng ký với cơ quan chức năng vì nghĩ cũng không liên quan gì nhiều! Sau này, bà con đến chữa bệnh mỗi ngày một đông tôi mới nghỉ làm xây dựng ở nhà khám chữa bệnh liên tục. Hôm trước, Phòng Y tế huyện có yêu cầu tôi ngưng hoạt động, nhưng khi người bệnh đến tôi mời về họ không chịu về rồi còn bảo “thầy cứ chữa cho tôi, nếu ai bắt thầy thì bắt tôi trước” thì tôi đành phải giúp. Tôi cũng đã có ý định lúc nào thu xếp việc nhà ổn thỏa sẽ lên Sở Y tế để tìm hiểu về các thủ tục để mở phòng khám và xin chứng nhận bài thuốc gia truyền”.

Nhận định về những sai phạm tại cơ sở của “thầy lang” Phương, Chánh Thanh tra Sở Y tế Nguyễn Đình Dũng cho biết: “Việc ông Phương tự ý mở cơ sở khám chữa bệnh khi chưa được ngành chức năng cấp phép hành nghề là vi phạm Luật Khám chữa bệnh và các quy định liên quan. Vì thế, sau khi kiểm tra, chúng tôi đã yêu cầu ông Phương chấm dứt ngay hoạt động khám chữa bệnh tại cơ sở của mình; có văn bản gửi UBND, Phòng Y tế huyện Ea H’leo, Trạm Y tế xã Dliê Yang đề nghị giám sát việc chấp hành của cơ sở; đồng thời mời ông Phương về Thanh tra Sở Y tế để xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật”.

Ông Nguyễn Đình Dũng còn cho biết thêm: “Trong y học, một phương pháp khám chữa bệnh phải trải qua thử nghiệm, nghiên cứu trên lâm sàng kể cả đó là một bài thuốc gia truyền. Khi chưa được kiểm nghiệm thì không có cơ sở nào để nói rằng phương pháp đó, bài thuốc đó điều trị có hiệu quả. Trên thực tế, tâm lý  của người bệnh là “có bệnh thì vái tứ phương” nên khi nghe ai rỉ tai đến chỗ nọ, thầy kia chữa bệnh hiệu quả thì tìm tới chữa bệnh. Nhưng thực ra, bệnh nhân không nắm hết được bệnh lý của mình nên khi thấy các dấu hiệu của bệnh hết tạm thời thì cứ nghĩ mình đã khỏi bệnh”. Ông Dũng đưa ra khuyến cáo: Hiện tại chưa thể khẳng định phương pháp chữa bệnh của ông Phương có giúp cho bệnh nhân khỏi bệnh hay không, thậm chí về lâu dài dùng những thuốc chưa được công nhận, chưa qua kiểm nghiệm lâm sàng có thể dẫn đến những tai biến. Vì vậy, người bệnh nên cẩn trọng khi lựa chọn phương pháp chữa bệnh không có cơ sở khoa học để tránh lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.