Bệnh viện Mắt Dak Lak: Góp phần nâng cao thị lực cho người dân tại cộng đồng
Bác sĩ Bệnh viện Mắt Dak Lak đang mổ đục thủy tinh thể cho bệnh nhân. |
Cùng hoàn cảnh như ông Y Hôk Niê, ông Nguyễn Trí Phương ở tổ dân phố 1, thị trấn Phước An, huyện Krông Pak chia sẻ: “Tôi bị bệnh đục thủy tinh thể nhiều năm nay. Do không có điều kiện cũng như không biết được các thông tin liên quan đến việc khám và điều trị về mắt nên chưa bao giờ tôi đến các cơ sở chuyên khoa để khám. Điều này đã khiến thị lực ở mắt tôi càng ngày càng kém đi. Được lên Bệnh viện Mắt để mổ là nhờ cán bộ y tế Bệnh viện Mắt về tận nơi khám và hướng dẫn cho tôi chuyển tuyến…”.
Ông Y Hôk Niê và ông Nguyễn Trí Phương chỉ là hai trong số rất nhiều người đi khám mắt, trong khi tình trạng bệnh ở mắt đã quá nặng và có nguy cơ bị mù lòa cao. Ngoài lý do về kinh tế thì nguyên nhân chính là do người dân thiếu kiến thức trong việc chăm sóc và bảo vệ mắt. Chính vì điều đó, bên cạnh việc chăm sóc, điều trị các bệnh về mắt tại Bệnh viện, các y, bác sĩ ở Bệnh viện Mắt đã đẩy mạnh các hoạt động chỉ đạo tuyến, xây dựng hệ thống chăm sóc mắt ban đầu từ tỉnh xuống huyện, xã. Đồng thời, Bệnh viện cũng đã phối hợp với các trung tâm y tế, bệnh viện và hội chữ thập đỏ của 15 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh tổ chức khám sàng lọc các bệnh về mắt cho người dân. Trong quá trình khám sàng lọc tại cộng đồng, Bệnh viện còn lồng ghép tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiến thức cho người dân để chủ động phòng chống các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, glôcom, mộng thịt, quặm mắt, đau mắt đỏ… với nhiều hình thức: tuyên truyền trực tiếp, thông qua hệ thống loa, đài. Nhờ đó, số lượt người đến khám mắt tại cộng đồng ngày càng tăng. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Mắt đã tổ chức 32 đợt khám sàng lọc tại cộng đồng cho trên 3.300 trường hợp; trong đó phát hiện 832 trường hợp bị đục thủy tinh thể, 632 trường hợp bị mộng mắt và 41 trường hợp bị glôcom. Tất cả những trường hợp này được các y, bác sĩ Bệnh viện lập danh sách, hướng dẫn bệnh nhân chuyển lên tuyến trên điều trị.
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thái Hà, Giám đốc Bệnh viện Mắt cho biết: “Mặc dù công tác chăm sóc mắt luôn được ngành Y tế quan tâm, chú trọng, song tại cộng đồng, hoạt động này vẫn còn gặp nhiều khó khăn; nhất là cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên khoa chưa đầy đủ dẫn đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chăm sóc mắt cho người dân có nhiều hạn chế. Vì vậy trong thời gian tới, Bệnh viện Mắt Dak Lak sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc mắt tại cơ sở, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước để triển khai các dự án chăm sóc mắt tại cộng đồng. Điều này không chỉ giúp Bệnh viện Mắt làm tốt công tác chuyên khoa, chăm sóc tốt sức khỏe về mắt cho nhân dân mà còn góp phần nâng cao chất lượng sức khỏe cho người dân”.
Mỹ Hạnh - Đình Thi
Ý kiến bạn đọc