Multimedia Đọc Báo in

Cuộc sống mới của người Mông ở thôn Noh Prông

10:31, 15/09/2014

Hơn 7 năm trước, những người Mông từ tỉnh Cao Bằng đã di cư vào xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) lập nghiệp, hình thành nên thôn mới Noh Prông. Nhờ chăm chỉ lao động, sản xuất cùng những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của người dân nơi đây đã có nhiều đổi thay…

Thôn Noh Prông nằm cách trung tâm xã Hòa Phong khoảng 10 km, hiện có 364 hộ, 1.255 khẩu, với gần 100% số hộ dân là người dân tộc Mông. Những năm qua, việc thực hiện các chính sách sắp xếp ổn định vùng di dân tự do cho người Mông ở thôn Noh Prông luôn được các cấp ủy Đảng và chính quyền nơi đây quan tâm, 100% số hộ dân đã được cấp đất ở và đất sản xuất ổn định. Cùng với đó, từ nguồn vốn của các chương trình 134, 135, 167… và các chính sách dân tộc, đến nay hệ thống kết cấu hạ tầng của thôn Noh Prông đã từng bước được hoàn thiện, 100% số hộ trong thôn đã có điện thắp sáng và nguồn nước sinh hoạt bảo đảm vệ sinh dẫn về tới từng nhà. Ông Mai Viết Tăng, cán bộ phụ trách công tác lao động - thương binh và xã hội xã Hòa Phong cho biết, từ năm 2011 đến nay, thôn Noh Prông đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 4 phòng học THCS, 8 phòng học tiểu học và 8 phòng học mầm non nhằm bảo đảm cho con em người dân trong thôn được đến trường; xây dựng 1 cầu treo và nhiều tuyến đường nội thôn để bà con đi lại được thuận tiện... Hằng năm, chính quyền địa phương còn phối hợp với các ngành chức năng của huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ và giới thiệu nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao để người dân áp dụng… Nhờ đó, bà con trong thôn đã biết gieo trồng những giống cây mới cho năng suất, chất lượng cao, thâm canh tăng vụ, đa dạng hóa các cây trồng như ngô, sắn, lúa nước, đồng thời phát triển chăn nuôi như trâu, bò, heo, gà, vịt… Đến nay, diện tích lúa gieo cấy hằng năm của thôn là trên 50 ha, 106 ha ngô và 164 ha sắn. Năng suất các loại cây trồng so với năm 2011 trở về trước đều tăng cao hơn từ 2 - 3 tấn/ha đối với lúa, ngô và 10 tấn/ha đối với cây sắn.

Buôn  Noh Prông đang  đổi mới từng ngày.
Buôn Noh Prông đang đổi mới từng ngày.

Anh Hầu Văn Phình, Thôn phó Noh Prông tâm sự: “Những ngày đầu tiên người Mông mình vào Dak Lak lập nghiệp đói khổ lắm. Do tập quán canh tác lạc hậu, cây trồng kém phát triển, hủ tục nặng nề… nên 100% số hộ đều là hộ nghèo. Những năm qua, nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, bà con đã có cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn; con cái đã được học hành, khi ốm đau đã được cán bộ y tế xã đến tận nhà thăm khám và cho thuốc uống. Tình hình an ninh trật tự trong buôn luôn được giữ vững, đặc biệt là hiện tượng tuyên truyền mê tín dị đoan hay theo các tổ chức chống phá Nhà nước không hề xảy ra trên địa bàn”. Khi đời sống, kinh tế dần ổn định thì các hủ tục cũng dần được xóa bỏ; việc hiếu, việc hỷ đã bớt đi những nghi lễ rườm rà, tiết kiệm nhưng vẫn giữ được nét văn hóa của dân tộc mình. Bà con thôn Noh Prông đã và đang tiếp tục nỗ lực cùng đảng bộ, chính quyền xã hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của Noh Prông chỉ còn 61 hộ (giảm gần 50% so với năm 2010); gần 100% số hộ đã có phương tiện nghe nhìn, có xe máy để đi lại; nhiều hộ được công nhận gia đình văn hóa cấp xã…

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.