Multimedia Đọc Báo in

Nuôi heo đất giúp người nghèo làm nhà

10:30, 14/09/2014

Thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, những năm qua, cán bộ và nhân dân xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar) đã thực hiện có hiệu quả mô hình nuôi heo đất tiết kiệm giúp người nghèo, góp phần nâng cao ý thức tiết kiệm cho mỗi người dân và hỗ trợ gia đình nghèo ở địa phương giải quyết khó khăn về nhà ở.

Phong trào nuôi heo đất tiết kiệm giúp người nghèo được Ủy ban MTTQVN xã Quảng Hiệp triển khai từ hàng chục năm nay, thời gian đầu gặp không ít khó khăn vì thiếu sự đồng tình, ủng hộ của người dân, nhưng nhờ sự tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên  trong xã, dần dần phong trào đã tạo hiệu ứng và lan tỏa mạnh mẽ. Được biết, năm 2014, toàn xã có trên 220 heo đất, trong đó, số heo đất của cán bộ, công nhân viên chức là trên 50. Không chỉ nuôi heo đất ở gia đình mà mỗi cán bộ, viên chức xã còn tham gia nuôi heo đất tại cơ quan, mỗi phòng, ban, tổ chức, đoàn thể đều đảm nhận nuôi một con. Ông Nguyễn Trung Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Quảng Hiệp cho biết, từ năm 2012, phong trào nuôi heo đất tiết kiệm đã được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, số tiền thu được trong năm này đã xây được nhà đại đoàn kết cho 1 hộ nghèo, năm 2013 xây nhà cho 2 hộ, riêng năm 2014 dự tính sẽ xây nhà cho 4 hộ, với mức hỗ trợ từ 25 đến 30 triệu đồng/hộ.

Vợ chồng anh Giang trước ngôi nhà  mới xây nhờ quỹ nuôi heo đất tiết kiệm của xã.
Vợ chồng anh Giang trước ngôi nhà mới xây nhờ quỹ nuôi heo đất tiết kiệm của xã.

Bây giờ không chỉ có những gia đình khá giả mà cả hộ nghèo, hộ khó khăn cũng nhiệt tình tham gia nuôi heo đất. Là một hộ dân có thâm niên nuôi heo đất từ hơn 10 năm nay, hằng ngày gia đình bà Nguyễn Thị Huyền Nhung (thôn Hiệp Hưng) đều tiết kiệm 1.000 đồng để cuối năm chuyển cho Quỹ vì người nghèo của xã, nhưng hơn 3 năm nay, số tiền tiết kiệm của gia đình bà đã tăng lên 3.000 đồng/ngày. Không những thế, vợ chồng bà còn chia nhau mỗi người nuôi một con để số tiền tiết kiệm được nhiều hơn. Bà Nhung tâm sự, trước đây cuộc sống gia đình bà rất vất vả, có những lúc khó khăn tưởng chừng như không vượt qua được, nên bây giờ khi kinh tế ổn định, mỗi ngày dành ra vài nghìn đồng để  bỏ tiết kiệm giúp người khác thì có đáng gì. Được biết, trong năm 2013, vợ chồng bà đã tiết kiệm gần 2 triệu đồng để hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn xã. Hằng năm, Ủy ban MTTQVN xã Quảng Hiệp đều chọn ngày 17-10 (Ngày Vì người nghèo) để đập heo lấy tiền xây nhà đại đoàn kết cho người nghèo. Mỗi con heo đất thu về ít nhất 365.000 đồng, cũng có gia đình tiết kiệm từ 700.000 đến trên 1 triệu đồng. Đơn cử như hộ bà Nguyễn Thị Huyền Nhung (thôn Hiệp Hưng), Nguyễn Thị Gái (thôn Hiệp Đạt), Vũ Việt Chung (thôn Hiệp Thành), Vũ Ngọc Nhanh (thôn Hiệp Chung)… Từ mô hình tiết kiệm này, nhiều ngôi nhà bị xuống cấp, không an toàn đã được thay bằng những ngôi nhà kiên cố, khang trang.

Gia đình anh Nguyễn Đình Giang (thôn Hiệp Lợi) là một trong những hộ nghèo của xã Quảng Hiệp, dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, nhưng mỗi năm, gia đình anh tiết kiệm được gần 400.000 đồng để ủng hộ Quỹ Vì người nghèo của xã. Và niềm vui đã đến với anh khi năm 2013, gia đình anh là một trong 2 hộ được Ủy ban MTTQVN xã hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết nhờ số tiền tiết kiệm từ phong trào nuôi heo đất của địa phương. Anh Giang chưa bao giờ dám nghĩ là mình sẽ có một ngôi nhà khang trang, kiên cố cho đến khi biết gia đình sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng xây nhà, vợ chồng anh vay mượn thêm để xây dựng căn nhà trị giá 70 triệu đồng. Đặc biệt hơn là từ mô hình nuôi heo đất tiết kiệm vì người nghèo của xã, vợ chồng anh Giang đã học theo nuôi heo đất riêng cho gia đình để có một số vốn nhỏ trang trải khi cần. 

Có thể nói, phong trào nuôi heo đất của cán bộ và nhân dân xã Quảng Hiệp quả thật đã trở thành mô hình hay đáng để nhân rộng. Bởi qua đó, những ngôi nhà đại đoàn kết được xây dựng nhờ sự sẻ chia của mọi người, giúp những hộ nghèo có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.