Đổi thay trên căn cứ cách mạng Dak Phơi
Trụ sở UBND xã Dak Phơi được xây dựng khang trang từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. |
Sau ngày đất nước hòa bình, cũng giống như những địa phương khác, xã Dak Phơi đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách trong công cuộc xây dựng và kiến thiết quê hương. Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang trong kháng chiến, người dân Dak Phơi đã đoàn kết một lòng cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Toàn xã hiện có 1.259 hộ, với 6.247 khẩu gồm 5 dân tộc anh em (Tày, Nùng, M’nông, Mông và Kinh) sinh sống trên 11 thôn, buôn. Được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, đời sống người dân nơi đây đang khởi sắc từng ngày. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm luôn đạt từ 8 đến 9%; đa số hộ dân đã thoát khỏi đói nghèo và vươn lên làm giàu, mua sắm được trang thiết bị phục vụ sản xuất và cuộc sống; điện đã chiếu sáng khắp buôn làng, đường giao thông được mở rộng, kiên cố...
Con đường nhựa sạch đẹp ở buôn Liêng Ông tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc giao thương kinh tế. |
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã đem lại những hiệu quả rõ rệt. Người dân Dak Phơi đã xóa bỏ được tập tục đốt rừng làm nương rẫy, biết làm lúa 2 vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và đưa vào những giống cây trồng có giá trị kinh tế cao. Hiện toàn xã có 538 ha cà phê, 520 ha sắn cao sản, 520 ha ngô lai, 233 ha lúa nước, 450 ha lúa cạn, 58 ha điều và ca cao, hơn 120 ha cây ăn quả các loại… Bà H’Jiêng Liêng Hót, (dân tộc M’nông, ở buôn Pai Ar) từng tham gia kháng chiến, sau chiến tranh, bà trở về cuộc sống đời thường với tỷ lệ mất sức lao động 63% (bệnh binh) nên gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, bà bắt tay vào khai hoang đất làm nương rẫy. Nhờ chịu khó học hỏi, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất cây trồng ngày càng tăng, đạt hiệu quả kinh tế cao. Với 1 ha trồng cà phê và 8 sào ruộng, cộng với việc chăn nuôi heo, bò gia đình bà H’Jiêng giờ có thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng mỗi năm. Hay như gia đình anh Y Tang Je (buôn Đung), chị Vi Thị Vui (thôn Cao Bằng), anh Y Mang Cil (buôn Jie Yuk)… mỗi năm thu nhập hàng chục triệu đồng nhờ trồng cà phê kết hợp chăn nuôi bò. Nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Dak Phơi đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn của thôn, buôn ngày càng khởi sắc. Anh Lục Văn Kiểm, Trưởng Công an xã chia sẻ: “Mình tự hào vì được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất anh hùng này. Vì vậy mình luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của một người cán bộ gương mẫu, xứng đáng với các thế hệ cha anh”.
Bên cạnh khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã còn chú trọng đến việc phát triển đàn gia súc, gia cầm nhằm giải quyết nhu cầu thực phẩm tại chỗ, từng bước xây dựng nền sản xuất hàng hóa. Khi đời sống vật chất được cải thiện, người dân đã chăm lo đến việc học hành của con em mình hơn, 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được đi học. Trong xã hiện có 4 trường học từ mầm non đến THCS với trên 1.400 học sinh. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã có nhiều tiến bộ, hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh và đội ngũ cán bộ y tế từ xã đến thôn, buôn tiếp tục được tăng cường, củng cố… Ông Ama Nghiệp phấn khởi cho biết: Thời gian tới, cán bộ và nhân dân xã Dak Phơi tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quốc phòng an ninh trên địa bàn; từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phấn đấu đưa Dak Phơi ngày càng phát triển, xứng đáng là một xã giàu truyền thống cách mạng.
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc