Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả của mô hình Tổ nhân dân tự quản ở Hòa Đông

15:20, 10/11/2014

Từ ngày Tổ nhân dân tự quản về an ninh trật tự (Tổ NDTQ) của xã Hòa Đông (huyện Krông Pak) ra đời, tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn 19 thôn, buôn luôn được giữ vững ổn định. Đặc biệt, những vụ mùa cà phê gần đây, bà con đều yên tâm lao động sản xuất, đợi ngày vườn cà phê chín đều mới tiến hành thu hái…

Cà phê được xem là nguồn thu chính của phần lớn hộ dân xã Hòa Đông. Tuy vậy, trước năm 2010, cứ đến mùa thu hái, tình trạng trộm cắp thường xuyên diễn ra, các đối tượng hoạt động khá liều lĩnh, khiến người dân ăn không ngon, ngủ không yên… Ngoài hơn 13.700 nhân khẩu của 12 dân tộc anh em chung sống trên địa bàn thì hằng năm vào vụ mùa cà phê, có hơn 1000 lượt người trong và ngoài tỉnh đến làm thuê. Đây là cơ hội để các đối tượng bị truy nã, tội phạm hình sự trà trộn ẩn náu, gây án, phá hoại… Ông Dương Công Hải (49 tuổi, ở thôn Hòa Thắng) nhớ lại: “Trước đây khi chưa thành lập tổ NDTQ, bọn trộm cà phê thường tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, ngang nhiên tuốt cành, thậm chí dùng dao, cưa gỗ để cắt trộm cành cà phê, sau đó, chúng đưa đi chỗ khác hái quả. Xót ruột vì cà phê nhà bị cắt, tuốt quả, lại thấy cành vứt ở rẫy gần đó, nhiều hộ dân xích mích, hiểu nhầm nhau. Tình trạng đó xảy ra liên tục, vì vậy chỉ chờ cà phê chín bói, bà con nhanh chóng vào rẫy thu hoạch sớm; trẻ con, người già thì ở nhà phơi, trông coi, chỉ lơ là, bất cẩn, lượng cà phê đang phơi cũng có thể không cánh mà bay... ”.
Tổ NDTQ đi tuần tra, bảo vệ cà phê.
Tổ NDTQ đi tuần tra, bảo vệ cà phê.

“Cơn ác mộng” trên không chỉ của gia đình ông Hải, mà là nỗi lo chung của người dân 19 thôn, buôn mỗi vụ cà phê đến. Trước thực trạng này, năm 2010, lực lượng Công an xã đã tham mưu cấp ủy, chính quyền, xây dựng thí điểm mô hình Tổ NDTQ tại thôn Hòa Thắng và đã được UBND xã đồng ý. Tổ NDTQ được thành lập dựa trên 3 lực lượng chính: Công an xã phối hợp công an viên của thôn, lực lượng dân phòng, thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là bảo đảm vườn cà phê cho nhân dân thu hoạch. Để tổ có kinh phí hoạt động, mỗi hộ dân đóng góp 30 nghìn đồng/sào cà phê, đồng thời tổ cũng phải đền số tiền tương đương nếu như cà phê của bà con bị mất.

Từ khi Tổ NDTQ đi vào hoạt động, bà con trong xã luôn an tâm làm việc. Ông Hải vui mừng cho biết: “Nhiều hôm cả nhà tôi phơi cà phê trước sân và yên tâm vào rẫy mà không phải lo trộm cắp như trước”. Cùng tâm trạng với ông Hải, ông Trần Xuân Thủy, 54 tuổi, ở thôn Hòa Thắng cũng hồ hởi: “Năm nay, cà phê nhà tôi bắt đầu chín bói rồi, nhưng đợi khi chín rực cây rồi thu hoạch luôn. Năm ngoái, nhà tôi là một trong những hộ hiếm hoi bị mất mấy ký cà phê, nhưng đã được tổ NDTQ đền bù và xin lỗi. Vì họ làm việc có tinh thần trách nhiệm, nên gia đình không nỡ lấy tiền đền. Bởi lẽ, trước đây không có họ bảo vệ giúp, gia đình tôi còn mất nhiều hơn. Từ khi có Tổ NDTQ hoạt động, bà con yên tâm lắm!”.

Không phụ lòng tin của bà con, hằng ngày Tổ NDTQ chia thành 3-4 nhóm có 5-7 người thực hiện liên tục nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ cà phê. Thậm chí giữa đêm khuya, các anh sẵn sàng đi vào từng rẫy, khu vườn để kiểm tra nếu phát hiện nghi vấn có trộm cắp, hoặc bắt gặp những đối tượng có dấu hiệu phạm tội. Ông Antôna Ksơr, Trưởng Công an xã Hòa Đông cho biết: “Việc hoạt động của Tổ NDTQ góp phần làm tình hình an ninh trật tự (ANTT) trong thôn, buôn được bảo đảm, nhân dân phấn khởi làm ăn, phát triển kinh tế. Năm 2013, mô hình trên đã được nhân rộng trên toàn xã; đồng thời xây dựng 19 tổ dân phòng với 126 đồng chí được trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ làm việc; trang phục tuần tra, kiện toàn 4 tổ chức đoàn thể xã hội làm công tác bảo đảm ANNT có 272 thành viên tham gia”.

Hiện tại, cà phê trên địa bàn xã đang chín bói, chuẩn bị vào vụ mùa thu hoạch nên Tổ NDTQ hoạt động liên tục. Các thành viên trong tổ phải thay phiên nhau thức trắng đêm để làm tròn nhiệm vụ, nhưng ai nấy đều vui mừng vì thêm một vụ mùa bình yên, an toàn…

Trung tá Ngô Quốc Việt, Đội trưởng Đội xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT huyện Krông Pak đánh giá: “Trước đây tình hình ANTT xã Hòa Đông khá phức tạp, nhưng từ khi Tổ NDTQ ra đời đã góp phần không nhỏ về bảo đảm ANTT tại địa phương, giúp Hòa Đông trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với thành tích 3 năm liên tục (từ 2011 – 2013) được Bộ Công an tặng Cờ và Bằng khen. Cũng từ hiệu quả của mô hình, chúng tôi nhanh chóng triển khai, nhân rộng ở 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện để các địa phương nắm bắt và học hỏi”.   

 Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.