Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt góp phần cải thiện cuộc sống cho đồng bào

10:59, 17/11/2014

Huyện Krông Ana hiện có 20 dân tộc thiểu số (DTTS) đang sinh sống với 4.134 hộ và 21.024 khẩu, chiếm hơn 21,6% tổng số hộ (19.133 hộ); gồm 26 buôn đồng bào DTTS trong tổng số 73 thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn.

Trong những năm qua, việc triển khai chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho các hộ DTTS nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định 132-134 trong những năm 2002-2008 và sau này là Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12-10-2009, Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần giúp nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Krông Ana có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.

Khi chị H’Nhem Byă và anh Bùi Văn Luyến (buôn Kmăn, xã Dur Kmăn) về ở chung với nhau, vợ chồng anh chị chỉ có hai bàn tay trắng, không nhà ở, không đất ở, không đất sản xuất. Cặp vợ chồng trẻ ở trong một túp nhà tranh dựng tạm trên mảnh đất mượn của bố mẹ vợ, ngày ngày đi làm thuê cuốc mướn nuôi nhau. Năm 2005, anh Luyến và chị H’Nhem được Nhà nước hỗ trợ 9 triệu đồng để làm nhà ở theo Quyết định 134/2004/QĐ-TTg ngày 20-7-2004. Chính quyền xã vận động bố mẹ chị H’Nhem cho con đất xây nhà. Vay mượn thêm 8 triệu đồng nữa, anh Luyến lại có tay nghề thợ xây nên vợ chồng anh chị đã xây dựng được một căn nhà khá tươm tất. Chị H’Nhem cảm kích: “Vợ chồng mình chỉ đi làm thuê, tiền công mỗi ngày chưa đến 200.000 đồng/người. Đứa con út bị bệnh lách to, thường xuyên đau ốm nên bao nhiêu tiền làm ra đều dành chữa bệnh cho con. Vì thế, nếu không được Nhà nước hỗ trợ xây nhà, có lẽ đến giờ gia đình mình vẫn phải chui rúc trong căn nhà tranh dột nát ấy”. Không chỉ nhiều hộ được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, đồng bào Êđê ở buôn Kmăn còn được Nhà nước xây dựng cho một công trình cấp nước tập trung trị giá 200 triệu đồng giúp nhiều hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và không còn lo thiếu nước vào mùa khô.

Nhờ có công trình cấp nước tập trung được xây dựng từ Chương trình 134, bà con buôn Kmăn, xã Dur Kmăn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Nhờ có công trình cấp nước tập trung được xây dựng từ Chương trình 134, bà con buôn Kmăn, xã Dur Kmăn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Năm 2013 vừa qua, gia đình ông Y Đoan Êban (buôn Ênac, xã Ea Bông) đón nhận hai niềm vui: xây thêm căn nhà phía sau khá khang trang trị giá 35 triệu đồng và chính thức thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Căn nhà do Nhà nước xây dựng cho gia đình ông theo Chương trình 134 cách đây gần chục năm vẫn được ông dùng để ở và chứa nông sản. Ông kể: “Lúc đó, nhà mình nghèo lắm. Hai vợ chồng và 6 đứa con lúc nào cũng túng thiếu, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc thì tiền đâu mà xây nhà. Vì vậy, được Nhà nước hỗ trợ xây nhà năm 2005, gia đình mình mừng lắm. Không chỉ giúp nhà mình có nhà ở, Nhà nước còn cho mình vay vốn phát triển sản xuất. Được giúp nhiều như thế, mình cũng phải cố gắng vươn lên. Bây giờ, với 8 sào ruộng và 2 sào cà phê, cùng với tiền làm thuê của các con, thu nhập của gia đình mỗi năm cũng được gần 30 triệu đồng”. Với anh Y Thắt Bkrông (buôn M’blớt, xã Ea Bông), Chương trình 134 đã mang lại chiếc “cần câu cơm” cho gia đình anh. Vợ chồng anh cưới nhau nhưng trong tay không tấc đất sản xuất. Năm 2004, Nhà nước cấp cho vợ chồng anh 1,7 sào ruộng nước; lại vận động bố mẹ anh san sẻ đất ở cho con. Y Thắt vừa làm ruộng vừa đi làm thuê, 1,7 sào ruộng nước có vụ cho thu được gần 1 tấn lúa; vợ anh học thêm nghề may và mở tiệm may trên mảnh đất 200m2 sát đường tỉnh lộ mà bố mẹ cho. Đến nay, gia đình Y Thắt đã thoát nghèo và đang phấn đấu để vươn lên có cuộc sống ổn định hơn.

Anh Y Thắt Bkrông (buôn M’blớt, xã Ea Bông) đi thăm ruộng lúa của gia đình.
Anh Y Thắt Bkrông (buôn M’blớt, xã Ea Bông) đi thăm ruộng lúa của gia đình.

Có thể nói, Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo theo Quyết định 132-134 của Thủ tướng Chính phủ trong những năm từ 2002-2008 thực sự đã mang lại cuộc sống mới cho nhiều hộ DTTS nghèo trên địa bàn huyện Krông Ana. Bằng nhiều biện pháp như: khai hoang, thu hồi đất từ các doanh nghiệp, hỗ trợ người dân sang nhượng đất, vận động gia đình san sẻ đất ở, đất sản xuất cho con khi tách hộ và vận động người dân đóng góp công lao động, vật tư trong xây dựng, sửa chữa nhà ở, đến hết năm 2008, huyện Krông Ana đã hoàn thành việc giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, đạt 100% so với đề án đã được phê duyệt. Cụ thể: huyện đã hỗ trợ 62,2 ha đất sản xuất cho 333 hộ; 7,43 ha đất ở cho 294 hộ; hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 609 hộ; giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho 922 hộ (kể cả công trình cấp nước tập trung và phân tán).

Từ năm 2008 đến 2011, việc giải quyết đất ở được gắn với việc hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg  ngày 12-12-2008 và Quyết định 67/2010/QĐ-TTg ngày 29-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, trong hai năm 2009 và 2010, huyện Krông Ana đã hỗ trợ xây dựng được 644 ngôi nhà theo Chương trình 167 cho hộ nghèo, trong đó có 248 hộ DTTS tại 7 xã khó khăn với tổng kinh phí huy động là hơn 16,5 tỷ đồng. Năm 2011, huyện đã hỗ trợ xây dựng 110 ngôi nhà theo Chương trình 67 cho các hộ nghèo trên địa bàn thị trấn Buôn Trấp, trong đó có 63 hộ DTTS với tổng kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng. Về nước sinh hoạt, thực hiện theo Quyết định 1592/QĐ-TTg ngày 12-10-2009 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2012 huyện đã hỗ trợ nước sinh hoạt cho 160 hộ DTTS; xây dựng 3 công trình cấp nước tập trung, giải quyết nhu cầu cho 106 hộ và 2 trường học tại 2 buôn.

Năm 2014, UBND huyện Krông Ana đã lập Phương án thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg, qua đó rà soát nhu cầu về đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt của đồng bào DTTS nghèo cho thấy toàn huyện có 123 hộ thiếu đất ở với diện tích 2,44 ha; 347 hộ thiếu đất sản xuất với 116,84 ha và 630 hộ có nhu cầu về nước sinh hoạt (trong đó có 5 công trình cấp nước tập trung tại 5 buôn). Tuy nhiên, bà Đinh Thị Kim Phương, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Krông Ana cho biết: “Việc triển khai Quyết định 755 sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi địa phương hiện không còn quỹ đất để khai hoang, các gia đình cũng không còn nhiều đất để chia cho con cháu, bên cạnh đó định mức hỗ trợ lại quá thấp so với giá cả thị trường (chỉ có 6 triệu đồng/sào kể cả hỗ trợ và cho vay mà giá 1 sào ruộng một vụ hiện dã là 15 triệu đồng/sào). Sắp tới Phòng Dân tộc sẽ tham mưu cho UBND huyện một số biện pháp khắc phục khó khăn như: chuyển đổi ngành nghề phù hợp cho người dân; đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, phát triển ngành nghề truyền thống; tạo điều kiện cho đồng bào vay vốn phát triển sản xuất với lãi suất ưu đãi...”.

Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc