Multimedia Đọc Báo in

"Nhà 167" - Tiếp sức cho hộ nghèo ở Cư Kuin

10:44, 17/11/2014

Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 167), gần một nghìn ngôi nhà mới khang trang đã được xây dựng trên địa bàn huyện Cư Kuin; "nhà 167" như bà con thường gọi đã tạo nền tảng vững chắc, tiếp sức đúng lúc cho nhiều hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở, góp phần thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Đến thăm gia đình anh Y Nốp Byă (ở buôn Pu Huê, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) ấn tượng đầu tiên là ngôi nhà mới khá khang trang. Qua câu chuyện với anh Y Nốp được biết, trước đây gia đình anh là hộ nghèo của buôn, cuộc sống khó khăn đủ bề, thu nhập của gia đình lo cho con cái ăn học và sinh hoạt hằng ngày còn thiếu trước hụt sau nên dù nhà cửa dột nát nhưng vợ chồng anh chưa bao giờ dám nghĩ đến việc xây dựng ngôi nhà khang trang như bây giờ. Năm 2010, nhờ có chương trình 167 để xóa nhà dột nát, gia đình anh được vay ưu đãi 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách huyện cùng với sự giúp đỡ tiền và công sức của các đoàn thể ở xã, người thân, bạn bè và hàng xóm láng giềng, vợ chồng anh đã xây được căn nhà trị giá trên 100 triệu đồng. Nhớ lại lúc bước chân vào ngôi nhà mới, anh Y Nốp bồi hồi: “Tôi rất biết ơn Nhà nước và các đoàn thể, bà con đã quan tâm, giúp đỡ để gia đình tôi có được ngôi nhà khang trang, ấm cúng. Từ ngày có chỗ ở ổn định, vợ chồng tôi chú tâm vào làm ăn, cải thiện cuộc sống, nhờ vậy đã vươn lên thoát nghèo”. Cũng giống như vợ chồng anh Y Nốp, nhiều hộ nghèo khác ở buôn Pu Huê cũng được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Chương trình 167. Ông Y Nik Êban, Buôn trưởng buôn Pu Huê cho biết: “Từ năm 2009 đến nay, cả buôn đã có 9 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Chương trình 167. Ngoài sự giúp sức từ phía Nhà nước và các đoàn thể, mỗi gia đình khi xây dựng nhà ở đều được bà con trong buôn giúp sức cả công lẫn của, thậm chí nhiều hộ còn xây dựng được những ngôi nhà trị giá cả trăm triệu đồng từ sự giúp sức của bà con, anh em trong dòng họ. Nhìn vào đó mới thấy, Chương trình 167 không đơn thuần là giúp hộ nghèo có được một chỗ ở kiên cố mà qua đó đã “hâm nóng” tình làng nghĩa xóm, tinh thần tương thân, tương ái giúp nhau vượt qua khó khăn của cộng đồng. Chính sự động viên, cổ vũ kịp thời ấy đã khích lệ các hộ nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến thời điểm này, tất cả các hộ trong buôn được hỗ trợ về nhà ở đều đã thoát nghèo bền vững, một vài hộ còn vươn lên khá giả”.
 
Vợ chồng anh Y Nốp Byă (bên phải) trò chuyện cùng hàng xóm  trong ngôi nhà 167.
Vợ chồng anh Y Nốp Byă (bên phải) trò chuyện cùng hàng xóm trong ngôi nhà 167.

Có thể khẳng định, nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, cùng sự hưởng ứng tích cực từ mỗi gia đình, cộng đồng nên Chương trình 167 ở huyện Cư Kuin được triển khai, thực hiện nhanh, đạt kết quả tốt. Theo Phó Chủ tịch huyện Cư Kuin H’Bliăk Niê, Chương trình 167 là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp các hộ nghèo có nhà ở ổn định, vươn lên trong cuộc sống. Xác định đây là cơ hội giúp đồng bào nghèo trên địa bàn có nhà ở ổn định nên ngay sau khi Chương trình có hiệu lực, huyện Cư Kuin nhanh chóng triển khai, thực hiện với quyết tâm cao. Bước vào triển khai, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích, từ đó đồng thuận tham gia, đồng thời hướng dẫn các xã nhanh chóng rà soát, bình xét, lập danh sách hộ nghèo cần hỗ trợ xây nhà ở theo đúng tiêu chí, mục tiêu chương trình đề ra. Việc bình xét các hộ nghèo được nhận vốn hỗ trợ xóa nhà tạm cũng được tiến hành công khai, dân chủ và công bằng. Điều này đã tạo nên sự đồng thuận, không khí phấn khởi trong nhân dân khi thực hiện Chương trình và có tác dụng tích cực trong việc huy động nguồn hỗ trợ bằng vốn, nhân công trực tiếp từ đoàn thể nơi người dân cư trú cũng như dòng họ, gia đình để giúp các hộ nghèo xóa nhà tạm được nhanh chóng... Từ những thuận lợi cộng với sự nỗ lực của chính quyền, đoàn thể các cấp, huyện Cư Kuin đã thực hiện được khối lượng công việc đồ sộ về xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Theo thống kê của UBND huyện, từ năm 2009 đến nay, toàn huyện đã có 947 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Chương trình 167 với tổng kinh phí trên 23 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 20 tỷ đồng, vốn đối ứng từ phía gia đình, dòng họ đóng góp trên 2 tỷ đồng và các tổ chức kinh tế, nhà hảo tâm đóng góp gần 1 tỷ đồng. Đánh giá về hiệu quả của Chương trình 167, bà H’Bliăk Niê cho rằng: “Tuy mức hỗ trợ về vật chất chưa nhiều, nhưng Chương trình đã có ý nghĩa nhân văn cao cả. Ngoài việc giúp đỡ các hộ nghèo có chỗ ở ổn định, là bàn đạp vững chắc để yên tâm lao động sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống, thông qua việc hỗ trợ làm "nhà 167" đã gắn bó tình nghĩa keo sơn giữa các cộng đồng dân cư và đây chính là một trong những tiền đề quan trọng để địa phương đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo”.

Rõ ràng, việc xây dựng những căn nhà 167 với ý nghĩa nhân văn sâu sắc đã phần nào mở “lối thoát” giúp các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Cư Kuin nói riêng có chỗ ở khang trang, an toàn, từ đó vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.