Multimedia Đọc Báo in

Những bất cập trong xác nhận người có công với cách mạng đã được tháo gỡ

15:48, 21/11/2014
Qua hơn một năm thực hiện Nghị định 31 của Chính phủ, Thông tư 05 của Bộ LĐ-TB&XH đã thu được nhiều kết quả khích lệ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện ở cơ sở vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc trong việc hướng dẫn thiết lập hồ sơ giải quyết chế độ đối với Người có công (NCC). 

Nhiều đối tượng tham gia hoạt động kháng chiến (HĐKC) nhưng chưa được công nhận NCC và giải quyết chế độ ưu đãi của Nhà nước, với nhiều lý do: không còn giấy tờ gốc chứng minh quá trình tham gia kháng chiến; giấy tờ, hồ sơ không đáp ứng yêu cầu, quy định… Đơn cử, theo Thông tư 05 hướng dẫn, việc giải quyết chế độ đối với những người không phải là cán bộ, đảng viên rất khó thực hiện; giải quyết chế độ người HĐKC bị địch bắt tù, đày phải có bản sao một trong các giấy tờ: lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên lập từ ngày 1-1-1995 trở về trước, hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) có xác định nơi bị tù, thời gian bị tù mới giải quyết chế độ (chỉ quy định 3 loại giấy tờ). Đối với giải quyết chế độ người HĐKC bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH), nếu bị bệnh, tật hoặc sinh con dị dạng, dị tật theo quy định phải có một trong những giấy tờ chứng minh thời gian tham gia HĐKC tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng CĐHH (quyết định phục viên, xuất ngũ; giấy chuyển thương, chuyển viện, giấy điều trị; giấy tờ khác chứng minh có tham gia HĐKC tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng CĐHH được xác lập từ ngày 30-4-1975 trở về trước; bản sao lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, lý lịch quân nhân, Huân, Huy chương Chiến sĩ Giải phóng...). Nhưng trên thực tế nhiều người tham gia kháng chiến không phải là cán bộ, đảng viên, quân nhân, họ là dân quân, du kích, cơ sở hoạt động cách mạng bí mật, thanh niên xung phong... có giấy tờ chứng minh quá trình tham gia kháng chiến bị địch bắt, tù đày nhưng không có lý lịch đảng viên, lý lịch cán bộ, quá trình tham gia BHXH, vì vậy không giải quyết được chế độ tù, đày. Đối với những người bị nhiễm CĐHH, ngoài các giấy tờ quy định trên, có nhiều trường hợp tham gia kháng chiến trong vùng Mỹ sử dụng CĐHH có lý lịch công an nhân dân, quá trình tham gia BHXH, hồ sơ khen thưởng trong kháng chiến hoặc một số giấy tờ của các cơ quan chức năng xác nhận... nhưng không có các giấy tờ theo quy định của Thông tư 05, vì vậy cũng chưa được giải quyết chế độ. Ngoài ra, một số nội dung của Thông tư 05, Thông tư liên tịch số 41 chưa có sự thống nhất quy trình giải quyết chế độ đối với người HĐKC nhiễm CĐHH bị vô sinh. Thông tư 05 quy định người HĐKC bị vô sinh (nay hết tuổi lao động), sau khi đầy đủ hồ sơ, Sở LĐTB&XH chuyển Sở Y tế để cấp giấy chứng nhận, nhưng Thông tư liên tịch 41 không quy định vấn đề này, dẫn đến vướng mắc trong khâu giải quyết hồ sơ. Những vướng mắc, bất cập trên cũng đã được Sở LĐTB&XH kiến nghị với Đoàn giám sát (Đoàn đại biểu Quốc hội) tại buổi làm việc với UBND tỉnh vào tháng 8-2014.

Lãnh đạo Sở LĐTB&XH kiến nghị với Đoàn giám sát (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh) những bất cập, vướng mắc trong giải quyết chế độ ưu đãi người có công.
Lãnh đạo Sở LĐTB&XH kiến nghị với Đoàn giám sát (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh) những bất cập, vướng mắc trong giải quyết chế độ ưu đãi người có công.

Trước những phản ánh, kiến nghị của các địa phương, ngày 30-7-2014, Bộ LĐTB&XH đã ban hành Thông tư số 16 hướng dẫn một số nội dung xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi NCC với cách mạng. Thông tư quy định: việc giải quyết chế độ người HĐKC bị địch bắt tù, đày, ngoài các giấy tờ quy định tại Thông tư 05, bổ sung thêm các giấy tờ: bản sao lý lịch quân nhân, lý lịch công an nhân dân, hồ sơ khen thưởng thành tích kháng chiến, hồ sơ hưởng chế độ BHXH lập trước ngày 1-1-1995. Đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH bổ sung thêm: bản sao các giấy tờ lý lịch công an nhân dân, hồ sơ hưởng chế độ BHXH, hồ sơ khen thưởng thành tích tham gia kháng chiến, giấy tờ khác có giá trị pháp lý được lập trước ngày 1-1-2000. Người tham gia kháng chiến bị vô sinh (nay hết tuổi lao động) không phải giới thiệu qua Sở Y tế, sau khi có đầy đủ hồ sơ theo quy định, Sở LĐTB&XH kiểm tra, thẩm định và ban hành quyết định cho hưởng trợ cấp.

Với những nội dung bổ sung trong Thông tư 16, các quy định về thủ tục giấy tờ đã được bổ sung, mở rộng, phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia kháng chiến được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước. Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, đến cuối tháng 10-2014, toàn tỉnh đã giải quyết chế độ, điều chỉnh các mức hưởng cho hơn 22 nghìn đối tượng NCC theo Nghị định 31 của Chính phủ, gồm: giải quyết chế độ trợ cấp hằng tháng cho gần 700 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; gần 300 thân nhân NCC được hưởng tuất hằng tháng, hơn 3 nghìn hồ sơ liệt sĩ được giải quyết chế độ thờ cúng một lần; hơn 2 nghìn thân nhân NCC được hưởng chế độ Bảo hiểm y tế; gần 1.500 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH thuộc diện điều chỉnh lại mức trợ cấp hằng tháng và 12 NCC được điều chỉnh niên hạn hưởng điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe hằng năm. Đặc biệt, từ khi Thông tư 16 ban hành các địa phương trong tỉnh đã tiếp nhận hơn 100 hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ người HĐKC bị địch bắt tù, đày, nhiễm CĐHH.

 Nguyên Lý


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.