Multimedia Đọc Báo in

Dạy trẻ khuyết tật bằng cả tấm lòng (Kỳ II)

16:25, 06/01/2015

Kỳ II: Nối dài những ước mơ

Không phải 100% TKT có thể phục hồi và học tập như những trẻ bình thường khác, nhưng có đến 80% các em có thể đi học và hòa nhập được nếu như được phát hiện sớm, can thiệp sớm và đúng cách.

Nhờ được can thiệp sớm

Những đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết chương trình hỗ trợ can thiệp sớm và giáo dục cho trẻ khuyết tật giai đoạn 1999-2014 giữa Sở GD-ĐT và Ủy ban Y tế Hà Lan vừa diễn ra vào cuối tháng 12-2014 đều đồng cảm và chia sẻ niềm vui với anh Diệp Quốc Phú, phụ huynh em Diệp Thị Như Ngọc (5 tuổi) ở tổ dân phố 5, phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) bị khiếm thính. Anh Phú chia sẻ: “Vợ chồng tôi gần như bật khóc khi nghe con gái bi bô gọi tên ba Phú, mẹ Len. Gần đây, cháu còn nhận biết được mặt chữ cái, những con số. Một điều rất đỗi bình thường, nhưng với một đứa trẻ 5 tuổi không may bị khiếm thính là một tiến bộ đáng hy vọng”.

Nhờ được phát hiện sớm - can thiệp sớm, nhiều trẻ khuyết tật đã tiến bộ, phát huy năng lực bản thân. (Trong ảnh: Học sinh khuyết tật tham gia Hội thi thể thao, vẽ tranh cấp tỉnh năm học 2013-2014)
Nhờ được phát hiện sớm - can thiệp sớm, nhiều trẻ khuyết tật đã tiến bộ, phát huy năng lực bản thân. (Trong ảnh: Học sinh khuyết tật tham gia Hội thi thể thao, vẽ tranh cấp tỉnh năm học 2013-2014)

Cũng như nhiều ông bố, bà mẹ, vợ chồng anh Phú hân hoan chào đón đứa con gái đầu lòng bụ bẫm, dễ thương chào đời. Trước 2 tuổi bé Ngọc phát triển bình thường, thậm chí nhanh nhẹn, hiếu động hơn những đứa trẻ cùng trang lứa. Nhìn cô con gái tỉ mẩn xếp từng chữ cái, con số vào đúng vị trí trong bảng lắp ghép không cần sự trợ giúp của người lớn, vợ chồng anh Phú khấp khởi mừng. Vì vậy, khi con tròn 2 tuổi vẫn chưa nói được hai vợ chồng vẫn nghĩ là bình thường. Bà con, bạn bè thấy vậy trêu “chậm đi thì đói, chậm nói thì giàu”, vả lại cả hai bên nội ngoại không ai bị khiếm thính nên không có gì đáng lo. Khi bé Ngọc đến tuổi đi nhà trẻ, cô giáo phát hiện khả năng thính giác của cháu “có vấn đề”, lúc này vợ chồng anh Phú đưa con về bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh kiểm tra xác định chính xác khuyết tật của con, sau đó tiếp tục đến Trung tâm HTPT GDHN nhờ can thiệp. Với sự hỗ trợ tích cực của cô giáo ở Trung tâm, cùng sự kiên trì, nhẫn nại của gia đình, giờ đây bé Ngọc đã có thể bập bẹ gọi ba, mẹ. “Cháu vẫn còn rụt rè và khả năng giao tiếp không bằng các bạn cùng trang lứa song gia đình rất hy vọng cháu sẽ học hòa nhập khi hoàn thành chương trình mẫu giáo ở Trung tâm”, anh Phú hân hoan.

Trường hợp của anh Phú không phải là ngoại lệ, có nhiều TKT trên địa bàn tỉnh đã tiến bộ rõ rệt nhờ được phát hiện sớm, can thiệp sớm và đúng cách. Trường hợp của một bé gái bị thiểu năng trí tuệ nhẹ ở xã Ea Kuăng (huyện Krông Pak) là một điển hình. Đầu năm học, bố mẹ đưa cháu đến trường tiểu học trên địa bàn xã để nhập học, nhưng giáo viên đã từ chối nhận với lý do “cháu học không được” và khuyên gia đình nên gửi cô mẫu giáo trông hộ. Nhưng sau đó, nhờ sự can thiệp kịp thời, cùng những chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, giáo dục TKT của cô dạy mẫu giáo đã giúp cô giáo lớp 1 tự tin nhận cháu. Kết thúc năm học lớp 1, em học sinh ấy đã có thể viết hết chữ cái, con số và bắt đầu tập đọc, mặc dù ngọng ngọng, đớt đớt. Học mẫu giáo thì cháu không bao giờ làm được như vậy, tối đa chỉ viết được chữ cái và tập tô màu.

Mấu chốt là nhận thức

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh có khoảng 3.000 trẻ khuyết tật trong độ tuổi 0-16, trong đó 2.000 trẻ được phát hiện và tiếp cận giáo dục. Kết quả này có được là nhờ sự thay đổi nhận thức của cộng đồng. Sự thay đổi này trước hết bắt đầu từ nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên các trường đến phụ huynh học sinh. Trước đây, việc giáo dục TKT được xem như một việc làm từ thiện, thì giờ đây đã trở thành một nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục. Bà H’Yim K’doh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định: “Đến nay, về cơ bản, các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc, giáo dục TKT được chỉ đạo thực hiện có hệ thống từ Sở đến các phòng GD-ĐT, Trung tâm liên quan. Giáo dục TKT không có tính chuyên biệt và riêng lẻ như trước. Các hoạt động hỗ trợ giáo dục cho TKT được nâng lên nhờ công tác phát hiện, can thiệp sớm (từ 5 tháng tuổi - 4 tuổi) trước khi đi học hòa nhập. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý làm công tác hỗ trợ trẻ khuyết tật đã được đào tạo bài bản và giáo dục chuyên sâu về giáo dục cho trẻ khuyết tật, nhờ đó có đủ năng lực để đánh giá và xác định nhu cầu giáo dục đặc biệt cho trẻ. Nhiều trẻ khuyết tật sau khi ở Trung tâm Hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh tiếp tục được hỗ trợ tại cộng đồng, được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm với mức thu nhập ổn định”.

a
Gửi ước mơ qua những cánh hạc 

Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những điểm sáng trong công tác giáo dục hòa nhập, huy động TKT ra lớp. Thầy Trần Xuân Kỳ, Hiệu trưởng cho biết: “Năm học 2014-2015 trường có 4 học sinh khuyết tật, còn những năm học trước là 6-7 em. Ngoài phân công những giáo viên tâm huyết chủ nhiệm lớp có trẻ khuyết tật, nhà trường thành lập Ban cố vấn gồm những giáo viên nhiệt tình, yêu nghề mến trẻ, đủ năng lực chuyên môn để hỗ trợ chăm sóc, giáo dục trẻ. Về phía ban giám hiệu nhà trường sẽ thường xuyên động viên, chia sẻ những khó khăn vất vả với giáo viên có học sinh khuyết tật cả về tinh thần lẫn vật chất, giúp các thầy, cô thêm động lực, có thêm chỗ dựa gắn bó với công việc không mấy nhẹ nhàng này”.

Về phía phụ huynh thay vì cố “che giấu” khuyết tật của con như nhiều năm về trước thì đã tìm đến Trung tâm HTPT GDHN TKT để tư vấn tâm lý, hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi dạy con đúng cách. Trung bình mỗi năm Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh đón khoảng 100 phụ huynh đến tư vấn và khoảng 30-40 cháu được khám bệnh, đánh giá, can thiệp. Đặc biệt tỷ lệ trẻ từ 0-5 tuổi được phát hiện khuyết tật sớm và tham gia chương trình can thiệp sớm nên đã giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội khi các cháu học hòa nhập.

“Năm 1999 khi ký kết chương trình hợp tác Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam và Sở GD-ĐT chỉ đặt ra mục tiêu làm thay đổi nhận thức của xã hội trong công tác giáo dục khuyết tật, nhưng thành công của mô hình phát hiện sớm - can thiệp sớm của Dak Lak đã tác động tích cực đến nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và có sức lan tỏa sâu rộng trong cả nước. Trong 15 năm thực hiện chương trình (1999-2014), cùng với hỗ trợ kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các cơ sở giáo dục phục vụ việc dạy học trẻ khuyết tật hòa nhập đạt kết quả cao, Dự án tập trung nâng cao nhận thức cho cộng đồng, lãnh đạo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, giáo viên, phụ huynh, học sinh. Nhờ đó đã làm chuyển biến đáng kể  công tác giáo dục học sinh khuyết tật trong tỉnh”, bác sĩ Phạm Dũng, cố vấn quốc gia chương trình hỗ trợ giáo dục khuyết tật Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam chia sẻ.

(Còn nữa)

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc