Multimedia Đọc Báo in

Ở nơi 6 năm liền không có trường hợp sinh con thứ ba trở lên

16:39, 05/01/2015
Hiện nay, ở các vùng nông thôn, có không ít người con dâu phải nghe theo lời bố mẹ chồng, họ hàng mà cố sinh cho được con trai để nối dõi tông đường, dẫn đến tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn xảy ra.
 
Tuy nhiên, ở thôn Quyết Thắng, xã Hòa Đông (Krông Pak), người dân không còn quan niệm “trọng nam hơn trọng nữ”; thậm chí có không ít trường hợp mẹ chồng khuyên con dâu thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) để có điều kiện chăm sóc con cái.

Anh Nguyễn Ngọc Anh và chị Mè Thị Giảng cưới nhau năm 2006. Đến nay, anh chị đã sinh hai con gái. Cháu đầu của anh chị năm nay 7 tuổi, học lớp l; còn cháu thứ hai được hơn 2 tuổi. Chị Giảng tâm sự: Chồng chị là con trai cả trong gia đình nên đôi lúc chị cũng muốn sinh đứa con trai để cho bố mẹ chồng vui hơn. Hiểu được suy nghĩ của con dâu, mẹ chồng của chị Giảng là bà Nguyễn Thị Minh thường xuyên động viên vợ chồng chị Giảng thực hiện KHHGĐ. Bà Minh thường khuyên bảo: “Con trai, con gái đều tốt như nhau. Con cái là của trời cho, làm sao biết sinh đứa thứ ba là trai hay gái. Điều quan trọng hơn cả là có điều kiện để chăm sóc và nuôi dạy các con ăn học đến nơi, đến chốn…”; đồng thời hằng ngày bà Minh dành nhiều thời gian chăm sóc và yêu thương các cháu của mình. Từ khi có lời khuyên của mẹ chồng, chị Giảng không còn cảm thấy nặng nề về chuyện sinh thêm con, vợ chồng chị chăm chỉ lao động và luôn giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Bà Nguyễn Thị Minh (bìa phải) vui vẻ bên cạnh con dâu và cháu nội.
Bà Nguyễn Thị Minh (bìa phải) vui vẻ bên cạnh con dâu và cháu nội.

Còn anh Đinh Kim Trọng và chị Vương Thị Lương cưới nhau năm 2008. Sau khi sinh cháu thứ hai (cả 2 đều là con trai), anh chị đã thực hiện KHHGĐ. Hiện tại, cháu đầu của anh chị lên 6 tuổi, còn cháu út được 2 tuổi. Nhờ sinh ít và sinh thưa nên vợ chồng anh Trọng có thời gian, điều kiện đầu tư vốn để chăn nuôi hàng chục con heo. Ngoài ra, anh Trọng làm nghề thợ hàn, chị Lương làm nghề thợ may; gần đây, anh chị còn trồng thêm 1 sào tiêu; thu nhập mỗi năm của gia đình anh chị được hàng trăm triệu đồng. Kinh tế ngày một khá lên, hạnh phúc gia đình luôn được bảo đảm, các con của anh Trọng và chị Lương được chăm sóc đầy đủ.

Thôn Quyết Thắng hiện có 85 hộ, với 325 nhân khẩu; trong đó có 62 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai đạt 90%. Điều đáng kể là trong thôn có 6 gia đình sinh con một bề là gái, 8 gia đình có con một bề là trai, nhưng quan niệm “có nếp có tẻ” đã không còn trong suy nghĩ và thực hiện KHHGĐ, nuôi dạy con ngoan, kinh tế phát triển mới là ưu tiên hàng đầu của người dân nơi đây. 6 năm liền (từ năm 2009-2014), thôn Quyết Thắng không có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Nhờ thực hiện tốt KHHGĐ và chăm chỉ lao động nên đời sống người dân thay đổi từng ngày. Hiện tại, trong thôn chỉ còn 1 hộ nghèo; tỷ lệ hộ khá giàu chiếm 75%; tỷ gia đình văn hóa đạt 100%; không còn tình trạng trẻ em bị suy dinh dưỡng, 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường. Nhiều năm qua, thôn Quyết Thắng trở thành điển hình về KHHGĐ và phát triển kinh tế ở xã Hòa Đông.

Với thành tích nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Đông đã chọn Chi hội thôn Quyết Thắng làm điểm xây dựng mô hình Câu lạc bộ không sinh con thứ 3; đến nay đã có 40 thành viên tham gia sinh hoạt. Bên cạnh chủ đề về dân số, qua Câu lạc bộ, các thành viên được tuyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới… góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Võ Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và chung tay ủng hộ của nhân dân, ước mơ về căn nhà khang trang của rất nhiều hộ nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã trở thành hiện thực.