Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Thêm một "kênh" bảo đảm an sinh xã hội (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Để chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự đi vào cuộc sống
Qua gần 7 năm triển khai thực hiện, chính sách BHTN đã có nhiều sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn để ngày càng phát huy tính ưu việt trong công tác bảo đảm an sinh xã hội. Chính vì vậy, để chính sách này thực sự đi vào cuộc sống, cần sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía.
Nhiều điểm mới có lợi cho người lao động
Từ ngày 1-1-2015, chế độ BHTN sẽ chuyển từ Luật Bảo hiểm xã hội sang thực hiện theo quy định Luật Việc làm với nhiều điều chỉnh mới, có lợi cho người lao động như sửa đổi về đối tượng tham gia BHTN, điều kiện hưởng, mức hưởng và các chế độ.
Trước đây, theo Luật BHXH, người lao động tham gia BHTN đóng đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng sẽ được hưởng 3 tháng trợ cấp; đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng được hưởng 6 tháng; đủ 72 tháng đến dưới 144 tháng được hưởng 9 tháng. Điều này đồng nghĩa với việc người đóng BHTN 3 năm và người đóng 5 năm đều có chung một mức hưởng như nhau, gây ra sự bất bình đẳng. Nhưng theo Luật Việc làm mới, đóng đủ 12 - 36 được hưởng 3 tháng. Từ năm thứ 4 trở đi, cứ đóng đủ 12 tháng thì được cộng thêm 1 tháng. Ngoài ra, người lao động thất nghiệp mà tìm được việc làm sẽ bị ngừng hưởng trợ cấp và không được hưởng 1 lần số tháng còn lại như trước đây. Số tháng chưa hưởng sẽ được cộng dồn cho lần thất nghiệp tiếp theo. Việc khống chế không cho hưởng trợ cấp 1 lần cũng là để tránh tình trạng lạm dụng gây thất thoát quỹ BHTN.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. |
Không chỉ quy định chặt chẽ mức hưởng, mà theo anh Võ Phú Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Luật Việc làm còn mở rộng đối tượng tham gia BHTN theo hướng có lợi cho người lao động. Theo quy định cũ, người sử dụng lao động nếu chỉ sử dụng dưới 10 lao động và có giao kết hợp đồng lao động dưới 12 tháng thì không phải tham gia BHTN. Trong khi đây lại là những đối tượng có khả năng mất việc làm cao. Nhưng kể từ ngày 1-1-2015, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trong tất cả các cơ quan, đơn vị (không phân biệt số lượng lao động đang sử dụng) đều thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc. Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng cho người lao động và trích từ tiền lương hằng tháng của người lao động để đóng cùng lúc vào quỹ BHXH, BHYT, BHTN với tỷ lệ đóng là 32,5%, trong đó, người sử dụng lao động đóng 22%, người lao động đóng 10,5%. Đồng thời, việc quy định người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật không được hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ khiến người lao động cân nhắc kỹ hơn khi quyết định “nhảy việc”. Việc nâng thời hạn đăng ký thất nghiệp lên 3 tháng kể từ ngày người lao động mất việc làm thay vì 7 ngày như trước đây đã giúp cho người lao động có đủ thời gian chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết để được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Cần sự phối hợp đồng bộ trong triển khai thực hiện
Giám đốc Trung tâm việc làm tỉnh Nguyễn Văn Hiệp cho biết, xác định BHTN là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ngay khi bắt đầu triển khai, Trung tâm đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc tổ chức thực hiện chính sách BHTN như tuyển dụng nhân sự, thành lập phòng BHTN, chú trọng đào tạo nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân… Số lượng cán bộ thực hiện BHTN của Trung tâm gồm 20 người hầu hết có trình độ đại học, năng động, sáng tạo, nhiệt huyết trong công việc. Trung tâm cũng đã đưa vào hoạt động 2 văn phòng đại diện tại huyện Ea Kar và thị xã Buôn Hồ nhằm giúp những người lao động ở xa trung tâm tỉnh thuận tiện hơn trong việc đi lại, tiết kiệm thời gian, chi phí trong quá trình giải quyết thủ tục hưởng BHTN. Bên cạnh việc tập trung tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ hưởng BHTN cho người lao động, Trung tâm cũng chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTN người lao động và các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia đóng BHTN trên địa bàn tỉnh thông qua nhiều hình thức như: đăng tải thông tin trên website của Trung tâm, phối hợp tuyên truyền với báo, đài địa phương, tư vấn trực tiếp, cấp phát tờ rơi… Để bảo đảm các quyền lợi chính đáng của người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, đặc biệt là giúp người lao động thất nghiệp tìm được việc làm, Trung tâm đã chú trọng thực hiện công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Đồng thời, tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết các vướng mắc trong quá trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ theo luật định; phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội tăng cường kiểm tra, giám sát công tác thực hiện chính sách BHTN của các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo anh Lê Xuân Khánh, Trưởng phòng Thu, Bảo hiểm xã hội tỉnh, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHTN cho người lao động và người sử dụng lao động chưa cao, nhất là ở vùng sâu, xùng xa. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa tham gia hoặc cố tình trốn đóng BHTN cho người lao động. Còn người lao động phần vì hiểu biết hạn chế, phần vì sợ mất việc nên cũng không dám đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình.
Vì vậy, để chính sách BHTN thực sự đi vào cuộc sống, cần có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành liên quan không chỉ trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến BHTN mà còn hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Và quan trọng hơn, các tổ chức công đoàn cũng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong việc giám sát chủ sử dụng lao động phải tuân thủ pháp luật về lao động, đồng thời, người lao động cũng chủ động nâng cao hiểu biết, kiến thức pháp luật để tự bảo vệ mình.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc