Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Thêm một "kênh" bảo đảm an sinh xã hội (Kỳ II)
Kỳ II: Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc
BHTN sau 7 năm đi vào cuộc sống đã hỗ trợ đắc lực người lao động (NLĐ) trong hoàn cảnh mất việc và có tác động tích cực đến mối quan hệ hài hòa về lợi ích giữa đơn vị sử dụng lao động và người lao động. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai thực hiện, đã bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập.
Dạy nghề, hỗ trợ việc làm mới không hiệu quả
Cùng với việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, thì tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề được coi là một nhiệm vụ quan trọng của chính sách BHTN, giúp người lao động nhanh chóng tái hòa nhập lại thị trường lao động. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau gần 7 năm thực hiện, người lao động khi thất nghiệp mới chỉ quan tâm đến việc nhận được bao nhiêu tiền trợ cấp, chứ chưa thực sự quan tâm đến cái gốc của chính sách là hỗ trợ học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm mới, nên hiệu quả của công tác này rất thấp.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện việc giải quyết thủ tục BHTN), từ năm 2010 đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 14.372 người đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền đã chi trả trên 106 tỷ đồng nhưng không có người nào đăng ký và được hỗ trợ học nghề. Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân của thực trạng trên là do mức hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp theo quy định trước đây là quá thấp (người tham gia các khóa học nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học. Còn người tham gia các khóa học nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa 600.000 đồng/người/tháng), thời gian hỗ trợ học nghề ngắn, danh mục ngành nghề đào tạo còn đơn giản, không đa dạng nên chưa thu hút được người lao động tham gia… Anh Võ Phú Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, phụ trách chính sách bảo hiểm thất nghiệp, dạy nghề cho biết, có rất nhiều lý do khiến người lao động thất nghiệp không “mặn mà” với việc học nghề, nâng cao trình độ kỹ năng nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp để nhanh chóng trở lại thị trường lao động thì ngoài mức hỗ trợ quá thấp, có một nguyên nhân khác, đó là, người thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, trong khi phần lớn doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông nên họ dễ tìm lại được việc làm sau khi mất việc. Hơn nữa, những lao động phổ thông hầu như đều đã quen với công việc mình đã làm nên họ rất “ngại” học một nghề mới có tay nghề cao hơn. Và đối với những lao động đã qua đào tạo lại càng không quan tâm đến việc học nghề mới để chuyển đổi nghề nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp nợ đọng BHXH đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. (Trong ảnh: Công nhân Xí nghiệp Việt Hà (thị xã Buôn Hồ) đang khai thác đá xây dựng). |
Không chỉ hỗ trợ học nghề mà công tác tư vấn, giới thiệu việc làm mới cũng không hiệu quả. Mặc dù phần lớn lao động thất nghiệp đều đã được Trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm nhưng số lượng người có việc làm mới rất ít, trung bình mỗi năm chỉ khoảng trên dưới 100 người. Nguyên nhân là do phần lớn những lao động thất nghiệp đều tự tạo việc làm mới và vì nhu cầu đăng ký tuyển dụng của các doanh nghiệp tại Trung tâm không phong phú, hơn nữa số lượng tuyển lại quá ít nên chưa thực sự thu hút người lao động.
Nợ đọng bảo hiểm xã hội ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động
Theo quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm chốt sổ và trả sổ BHXH cho người lao động khi người đó không còn làm việc. Tuy nhiên, do một số doanh nghiệp còn nợ và trốn đóng BHXH nói chung và BHTN nói riêng nên khi người lao động nghỉ việc không thể thực hiện việc chốt sổ BHXH để hoàn chỉnh hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi người lao động.
Theo số liệu do Bảo hiểm xã hội tỉnh cung cấp, trong 2 năm 2013 và 2014, trên địa bàn tỉnh có 1.701 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nợ gần 98 tỷ đồng tiền BHXH, BHYT, BHTN. Trong đó, riêng nợ BHTN trong 2 năm trên 7,4 tỷ đồng. Ông Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng nguyên nhân khách quan của tình trạng trên là do suy thoái kinh tế, sản xuất trì trệ, nhiều đơn vị phá sản, giải thể, ngừng hoạt động. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, nhiều chủ doanh nghiệp chưa có ý thức chấp hành pháp luật. Không ít trường hợp chủ doanh nghiệp trích tiền lương của người lao động để đóng BHXH, BHYT, BHTN nhưng không nộp mà sẵn sàng chấp nhận nộp phạt để chiếm đoạt tiền bảo hiểm của người lao động do mức phạt cao nhất chỉ 75 triệu đồng chưa đủ sức răn đe. Trong năm 2014, Sở đã có các văn bản tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan BHXH tỉnh thực hiện một số biện pháp nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hàng trăm doanh nghiệp chây ì, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Theo anh Lê Xuân Khánh, Trưởng phòng Thu, Bảo hiểm xã hội tỉnh, để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, những năm qua, BHXH tỉnh đã linh động giải quyết bằng cách tạo điều kiện cho doanh nghiệp đóng trước các khoản nợ bảo hiểm đối với những lao động thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động để họ có thể chốt sổ, hoàn thiện hồ sơ hưởng chế độ. Tuy vậy, phương án trên không thể áp dụng cho những doanh nghiệp cố tình chây ì, nợ dây dưa, kéo dài. Trong trường hợp này thì đối tượng chịu thiệt nhiều nhất chính là người lao động.
Còn lúng túng trong triển khai thực hiện
Anh Võ Phú Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, từ ngày 1-1-2015, chế độ BHTN sẽ chuyển từ Luật Bảo hiểm xã hội sang thực hiện theo quy định Luật Việc làm. Mặc dù Luật Việc làm đã có hiệu lực gần 1 tháng nhưng đến nay vẫn chưa có nghị định và các văn bản hướng dẫn dưới luật nên đã gây gây không ít lúng túng cho cơ quan chức năng. Nhưng để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh vẫn tiếp nhận và giải quyết cho các trường hợp đủ hồ sơ theo yêu cầu và chỉ có thể trả lời người lao động những vấn đề liên quan đến quy định hiện hành. Khi có vướng mắc phát sinh, Trung tâm sẽ báo cáo gửi Cục Việc làm xin hướng dẫn cụ thể hoặc tham khảo cách giải quyết của các Trung tâm khác.
Một điểm mới nữa trong Luật Việc làm cũng đã gây lúng túng cho Trung tâm trong quá trình triển khai thực hiện, đó là, trước đây người lao động thất nghiệp muốn chuyển đến nơi khác để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phải đến Trung tâm Dịch vụ việc làm của địa phương nơi mình làm việc xác nhận chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhưng Luật Việc làm mới đã bỏ quy định trên, do vậy, để tránh trường hợp người lao động cùng một lúc làm thủ tục hưởng chế độ BHTN ở 2 nơi, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã thực hiện tạm giữ sổ BHXH của người lao động trong thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Điều này vừa không đúng quy định của Luật BHXH, vừa tăng thêm phần việc cho Trung tâm. Hơn nữa, theo quy định, sau 2 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày ghi trong phiếu trả kết quả, nếu người lao động không đến nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc quyết định hỗ trợ học nghề thì được coi là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc hỗ trợ học nghề. Đối với một tỉnh địa bàn rộng, đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, nhất là vào mùa mưa như tỉnh ta thì quy định thời gian 2 ngày là quá ít, chưa phù hợp.
(Còn nữa)
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc