Multimedia Đọc Báo in

Những người gắn bó với bệnh nhân phong

09:11, 28/07/2015

Nằm nép mình dưới chân đèo Ea Na, Khoa điều trị phong Ea Na (xã Dray Sáp, huyện Krông Na) lâu nay đã trở thành một đại gia đình cho những người không may mắn khi mang trong mình căn bệnh phong quái ác. Ở đây, bệnh nhân được các y, bác sĩ tận tình chăm lo từ thuốc men đến miếng ăn, giấc ngủ.

Đã 25 năm nay, cứ đều đặn hằng ngày, bác sĩ Trần Sỹ Tố, Trưởng Khoa điều trị (ĐT) phong Ea Na (thuộc Trung tâm Da liễu Đắk Lắk) lại tất bật với công việc thăm khám, điều trị vết thương cho các bệnh nhân phong. Trong căn phòng rộng chừng 20 m2, bác sĩ Tố cùng với một y sĩ nhẹ nhàng hỏi han và kiểm tra vết thương cho 4 bệnh nhân phong đang ngâm chân trong các bồn chứa nước bằng inox được bố trí ở đây. Nhấc những bàn chân chỗ chai sần, nơi lở loét của bệnh nhân ông tỉ mẩn kiểm tra  và giải thích cho tôi nghe. “Mục đích của việc cho bệnh nhân ngâm chân là để cho da mềm ra vì di chứng bệnh phong làm hệ thần kinh ở một số bộ phận trên cơ thể bị tê liệt, máu không lưu thông được khiến da chai sần lâu ngày sẽ hoại tử. Sau khi ngâm chân xong, chúng tôi sẽ tiến hành cạo những chỗ da chai sần, cắt bỏ những vết thương hoại tử rồi điều trị bằng kháng sinh”.

Bác sĩ Trần Sỹ Tố, Trưởng Khoa điều trị phong Ea Na đang kiểm tra vết thương  cho bệnh nhân.
Bác sĩ Trần Sỹ Tố, Trưởng Khoa điều trị phong Ea Na đang kiểm tra vết thương cho bệnh nhân.

Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với Khoa ĐT phong, bác sĩ Tố cho hay, ông về làm việc ở đây vào năm 1990 khi đó mới 27 tuổi.  Ở thời điểm đó, bệnh phong đang bị xã hội kì thị nhưng đối với một y sỹ được đào tạo những kiến thức về y học ông không hề e ngại nên đã làm đơn tình nguyện về đây. Lúc mới biết quyết định của ông, nhiều người thân trong gia đình phản đối, nhưng rồi trước quyết tâm lớn của mình ông cũng thuyết phục được mọi người.  Sau 25 năm gắn bó với nơi đây, ông đã trở thành một người bạn của bệnh nhân, ngoài việc khám chữa bệnh, ông còn gần gũi động viên, chia sẻ với họ những vui buồn trong cuộc sống. Còn nhớ năm 2009, câu chuyện tình yêu giữa ông  Y Tloh Niê (76 tuổi) và bà H’Chíp (69 tuổi) xôn xao cả Khoa ĐT phong. Khi đó, hai ông bà nằng nặc đòi đơn vị cho họ cưới nhau. Để thực hiện ước nguyện của hai cụ, ông Tố đã mời con cái, họ hàng hai bên gia đình đến bàn bạc. Với sự đồng thuận của hai bên, ông đã vận động một tổ chức từ thiện tổ chức một bữa tiệc nhỏ để làm đám cưới cho đôi uyên ương. Bây giờ nhìn hai cụ sống hạnh phúc bên nhau ai cũng mừng. Nhiều người đến thăm đơn vị đều nằng nặc tìm gặp để nghe chuyện tình đẹp như cổ tích ở nơi tưởng chừng như chỉ có sự đau đớn và tuyệt vọng. 

Khoa ĐT phong hiện có 8 nhân viên, trong đó có 6 người chuyên trách phục vụ điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Dẫn tôi đi thăm phòng sản xuất giày dép cho bệnh nhân, anh Huỳnh Thanh Phong, kỹ thuật viên giày dép và chỉnh hình chỉ vào chiếc tủ kính để đủ cỡ những bàn chân được đúc bằng thạch cao với nhiều hình dạng kỳ quái. Anh giải thích, “Đây chính là những chiếc chân giả được đúc theo nguyên mẫu từ chân của bệnh nhân phong. Do những biến chứng của bệnh phong nên chân của họ bị biến dạng với nhiều hình hài, kích thước khác nhau nên rất khó để chế tạo được giày dép phù hợp, do đó mỗi khi đóng mới giày dép mình phải bó bột vào chân của họ làm khuôn chờ khô và dựa vào đó mới đóng được giày dép phù hợp cho bệnh nhân”. Không chỉ đóng giày dép phục vụ bệnh nhân trong Khoa ĐT phong, hằng năm anh còn đi đo chân, đóng giày dép cho những người bị phong ở các địa phương khác trong tỉnh.

 Hiện Khoa ĐT Phong đang điều trị và theo dõi 79 bệnh nhân phong, trong đó có 22 bệnh nhân nội trú. Ngoài các phòng chuyên môn phục vụ việc chữa trị, trong khoa còn có 4 căn nhà dài truyền thống xây theo kiểu người dân tộc bản địa dành bố trí làm nơi nghỉ dưỡng cho các bệnh nhân. Những bệnh nhân nội trú này được chăm sóc sức khỏe, ăn uống miễn phí hằng ngày, hầu hết họ đều là người già bị di chứng phong nặng, mất khả năng làm việc, trong đó có người không nơi nương tựa, số khác ở lâu rồi quen không về nhà nữa. Điều trị ở đây người ít nhất cũng được 10 năm, lâu hơn có người gần 50 năm nên Khoa ĐT phong đã trở thành gia đình chung che chở, nuôi dưỡng họ. Bà H’Blơn (73 tuổi) vào đây đã 40 năm, thỉnh thoảng con cháu vào thăm chứ bà không về nhà. “Ở đây có nhiều bạn để nói chuyện lại được bác sĩ rửa vết thương, cho thuốc uống, cơm ăn còn về nhà không ai lo cho mình được vậy!”, bà tâm sự.

 Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.