Sức lan tỏa từ học và làm theo Bác
“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở huyện Krông Pắc đã đi vào nền nếp, thiết thực hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi một cán bộ, đảng viên và người dân. Ý thức tự giác, tự rèn luyện, noi gương Bác đã “thấm” vào công việc hằng ngày, trong công tác cũng như sinh hoạt của mỗi người.
Là huyện thuần nông, có 23 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần 33% dân số, vì vậy Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pắc xác định việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải gắn liền với nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân, trong đó tập trung ưu tiên các nguồn lực phát triển 2 xã đặc biệt khó khăn là Vụ Bổn và Ea Yiêng. Ngay sau khi có Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện thông qua các kế hoạch, chương trình hoạt động từng năm, từng giai đoạn. Nghị quyết này cũng đã được các phòng, ban, tổ chức đoàn thể quán triệt triển khai thực hiện, cụ thể hóa bằng những hoạt động thiết thực, như: cho vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xây dựng nhà ở, chăm lo việc học tập cho con em; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc lúa, cà phê, chăn nuôi bò vỗ béo, heo hướng nạc, gà thả vườn… Đối tượng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo còn được quan tâm tạo điều kiện học nghề, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, y tế, cứu đói giáp hạt, trợ giúp pháp lý… Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến nay giảm còn 10%, hộ cận nghèo 4,12%. Riêng xã đặc biệt khó khăn Ea Yiêng đến cuối năm 2014 còn 695 hộ nghèo (chiếm 60,91%), giảm hơn 110 hộ nghèo so với năm 2011.
Tham quan mô hình trồng hồ tiêu của vợ chồng cựu chiến binh Mai Thị Thư, thôn 14 (xã Krông Buk). |
Kết quả giảm nghèo ở 2 xã đặc biệt khó khăn Ea Yiêng và Vụ Bổn là minh chứng thuyết phục về việc phát huy tốt các nguồn lực, trở thành điểm sáng cho các xã, thị trấn khác làm theo. Không chỉ làm giàu cho mình, người dân các xã, thị trấn còn tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công để làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa cộng đồng, hội trường thôn, bê tông hóa kênh mương nội đồng… góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Cũng từ những cách làm, những phong trào này đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu, mô hình hay, cách làm sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực đời sống. 4 năm qua (2011-2015), huyện Krông Pắc đã khen tặng 31 tập thể và 41 cá nhân, đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy khen thưởng 2 tập thể, 6 cá nhân điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhiều điển hình tiên tiến đã tạo được sức lan tỏa sâu rộng như: Đảng bộ Công an huyện, Đảng bộ Công ty Cà phê 719, Chi bộ thôn 1C (xã Hòa An), Đảng bộ các xã: Ea Kuăng, Ea Hiu, Ea Kly, Hòa An, Ea Knuếc và các cá nhân: chị Đinh Thị Bích Hòa, Đội trưởng Đội tổng hợp, Chủ tịch Phụ nữ Công an huyện; ông Nguyễn Tiến Minh (Công nhân Công ty Cà phê 719), ông Trịnh Ngọc Chiến (Đảng bộ xã Hòa An), cô giáo Bùi Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám… Qua đó cho thấy việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã thật sự đi vào đời sống của mỗi người, từng cơ quan, đơn vị, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi rộng khắp, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đời sống nhân dân cải thiện, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Trong xây dựng các mô hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đã lồng ghép với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động khác.
Cùng với lãnh đạo Hội Cựu chiến binh huyện, chúng tôi đến thăm gia đình bà Mai Thị Thư, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn 14 (xã Krông Buk) – điển hình tiêu biểu làm theo gương Bác. Bà Thư chia sẻ: “Cũng như nhiều nông dân trong xã, thu nhập chính của gia đình là từ cây cà phê. Tuy nhiên giá cả bấp bênh, năng suất không cao, vợ chồng tôi quyết định chuyển sang trồng hồ tiêu. Nhờ rút kinh nghiệm từ những hộ trồng hồ tiêu trước trong cách chọn giống, phân, đặc biệt là khâu chăm sóc… nên năng suất hồ tiêu đạt bình quân 5kg/trụ. Với 210 trụ hồ tiêu, mỗi vụ gia đình thu hơn 200 triệu đồng”. Thấy mô hình hồ tiêu của gia đình cựu chiến binh Thư cho thu nhập ổn định, nhiều nông dân trong thôn, trong xã tìm đến mua cây giống và học hỏi kinh nghiệm. Vợ chồng bà Thư tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cũng như chia sẻ giống tiêu. Từ một vài hộ trồng thử, đến nay hầu hết các hộ ở thôn 14 đều đã thoát nghèo nhờ cây hồ tiêu. Bà Thư hồ hởi nói: “Là người lính, trải qua nhiều gian khổ, hy sinh, tôi luôn xác định bà con lối xóm phải giúp đỡ nhau để cùng xóa đói giảm nghèo. Từ một vài cây tiêu giống được ươm từ vườn nhà, nhiều bà con trong xã đã có vườn hồ tiêu đến vài trăm trụ, thậm chí cả nghìn trụ, thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng. Riêng Chi hội Cựu chiến binh thôn 14 có 32 hội viên, hầu hết các hộ đều trồng hồ tiêu, kinh tế dần khấm khá, duy nhất còn một hội viên nghèo do tuổi cao, sức yếu”.
Trong khi đó, Hội Phụ nữ huyện có cách học và làm theo Bác rất riêng, “rất phụ nữ”, đó là thực hành tiết kiệm để hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Các chị tiết kiệm bằng cách “Nuôi heo đất”, “Ống tiền tiết kiệm”, “Hũ gạo tiết kiệm”, thành lập các tổ hùn vốn, tổ tín dụng tiết kiệm. Nhờ đó nhiều chị em hội viên nghèo đã được chia sẻ, động viên về tinh thần, vật chất, có thêm động lực, niềm tin vươn lên thoát nghèo bền vững. Chị Trịnh Thị Oanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện cho biết: “Xác định hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng giúp hội viên, phụ nữ có thêm cơ hội việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống, đến nay, Hội đã thành lập, duy trì 736 tổ, nhóm tiết kiệm và các loại hình tiết kiệm khác với số tiền huy động trên 8 tỷ đồng cho trên 14 nghìn lượt chị vay vốn với lãi suất thấp hoặc mượn vốn không tính lãi. Đáng hoan nghênh, nhiều chi, tổ hội phụ nữ có trên 95% hội viên tham gia thực hành tiết kiệm từ 2 đến 5 hình thức khác nhau. Nhiều phụ nữ gương mẫu, đi đầu trong cách nghĩ, cách làm, đầu tư mở rộng phát triển sản xuất làm giàu cho gia đình và sẵn lòng giúp đỡ các chị em có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên thoát nghèo”. Có thể nói, với những việc làm thiết thực và hiệu quả, các cấp Hội Phụ nữ huyện Krông Pắc đã và đang từng ngày đưa lời dạy của Bác đi vào cuộc sống. Những việc làm ý nghĩa, thiết thực mà các chị em đang triển khai không chỉ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Phụ nữ mà còn khẳng định vị trí, vai trò của chị em phụ nữ trong mỗi gia đình và cộng đồng dân cư.
Đồng chí Võ Túc, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Krông Pắc cho biết: “Việc học tập và làm theo Bác phải là việc làm cụ thể, tránh chung chung. Đối với các tổ chức cần “họp ít làm nhiều”, cụ thể hóa vào nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nhất là xây dựng các điển hình nông dân sản xuất giỏi, tiếp tục nhân rộng nhiều mô hình, điển hình trong các cơ quan, đơn vị, thôn xóm tạo sức lan tỏa sâu rộng. Nâng cao chất lượng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, liên hệ sâu sắc với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam; vận dụng vào chỉ đạo phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, tạo chuyển biến sâu sắc trên mọi lĩnh vực, nhất là công tác xóa đói giảm nghèo, củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”. Hiện nay, Đảng bộ huyện đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các chi, đảng bộ trực thuộc làm tốt công tác xây dựng Đảng; nêu cao trách nhiệm và chấn chỉnh tác phong của cán bộ, đảng viên, công chức; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu; đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên của mỗi tập thể, cá nhân. Đặc biệt, tập trung chỉ đạo thành công đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020.
Gia Nguyên
Ý kiến bạn đọc