Yêu thương và chia sẻ
Cuộc thi viết về chủ đề “Hạnh phúc gia đình” đã khép lại, song những câu chuyện “người thật, việc thật” được phản ánh trong các bài viết đọng lại nhiều suy cảm. Cuộc sống với muôn vàn khó khăn, thách thức, có lúc thăng, lúc chùng bởi sóng gió cuộc đời, song tình yêu đã làm nên điều kỳ diệu...
Hạnh phúc là một sự chấp nhận
Chị Kiều Thị Vân Anh (thôn Quỳnh Tân II, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) tác giả bài viết “Hạnh phúc là một sự chấp nhận” chia sẻ: “Cuộc sống vốn là một câu chuyện dài, có niềm vui, nỗi buồn và cả những giọt nước mắt. Chồng tôi không phải là một người hoàn hảo, thậm chí có nhiều khuyết điểm. Khi mới yêu nhau, không ít người đã khuyên tôi nên suy nghĩ lại bởi anh là một học sinh cá biệt. Song nhiều lần chứng kiến anh bất chấp hiểm nguy cứu người bị tai nạn giao thông, đuối nước, tôi tin anh sẽ là chỗ dựa vững chắc của đời mình. Những tưởng khi cưới nhau rồi, anh sẽ chí thú làm ăn, nào ngờ vẫn tiếp tục bù khú với bạn bè, mặc cho vợ nhỏ to tâm sự, khuyên nhủ. Những lần lặn lội tìm anh tôi chẳng dám tâm sự cùng ai, chỉ biết trải lòng mình qua trang nhật ký. Cứ thế cuốn nhật ký “tìm chồng” cứ dày lên theo năm tháng. Cho đến khi, tôi sinh con gái đầu lòng, nhìn thấy con khỏe mạnh và trong một lần tình cờ đọc được quyển nhật ký ấy, anh đã hiểu ra tình cảm của vợ dành cho mình nên đã quay về với gia đình, từ đó quan tâm, yêu thương, chăm sóc vợ con hơn”. Vợ chồng đồng thuận, chỉ vài năm sau hai vợ chồng đã tiết kiệm được tiền xây được nhà khang trang. Hằng ngày, nhìn các con vui đùa, còn chồng phụ mình dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, chị thấy hạnh phúc dâng tràn vì để có được tổ ấm như hôm nay chị đã trải qua một quãng đường dài sóng gió mà ngay bản thân chị cũng phải “phục mình”. Giờ đây, chị Vân Anh vẫn giữ thói quen ghi nhật ký, nhưng không còn là những câu chuyện buồn thay vào đó là những nụ cười, những dự định, ước mơ của các thành viên trong gia đình, hay chỉ là mẩu chuyện trên lớp, trên trường của con gái. “Gia đình nào chẳng có sóng gió, nhưng nếu chúng ta biết trân trọng, gìn giữ, vun đắp những ký ức đẹp đẽ, mọi đau khổ rồi cũng sẽ qua, hạnh phúc mỉm cười”, chị Vân Anh bộc bạch.
Ban tổ chức Cuộc thi trao tặng Giấy chứng nhận cho các gia đình tiêu biểu - nhân vật trong các tác phẩm dự thi. |
Gia đình tôi
Yêu và được yêu, được đùm bọc, chở che là mong ước của hầu hết chị em phụ nữ, nhưng với chị Lê Thị Thanh Thủy (cũng ở thôn Quỳnh Tân, Buôn Trấp, huyện Krông Ana) điều đơn giản ấy không trọn vẹn. Sau 8 năm yêu thương, tìm hiểu nhau, anh chị quyết định cưới nhau. Nhưng thật trớ trêu chỉ 13 ngày sau lễ cưới, chị Thủy nhận được điện thoại báo tin: “Chồng bị tai nạn giao thông nặng”. “Tôi đứng không vững, trời đất như sụp dưới chân mình. Mất vài phút lấy lại bình tĩnh, tôi lấy xe máy chạy thẳng đến bệnh viện và không tin vào mắt mình, khi thấy anh nằm bất tỉnh, toàn thân bê bết máu. Sau 21 ngày điều trị tích cực, anh tỉnh lại, nhưng không nhận ra ai trong gia đình, ngay cả vợ mình. Trong lúc tuyệt vọng, một điều kỳ diệu đã đến - tôi biết mình có thai, đứa con ngày một lớn lên đã tiếp thêm sức mạnh giúp vượt qua nỗi đau, mất mát quá lớn”, chị Thủy bồi hồi nhớ lại. Không lâu sau, chồng chị Thủy được xuất viện, nhưng di chứng để lại thật nặng nề, anh không nhận ra chị nữa, hễ ai hỏi về chị anh lại bảo: Đó là chị dâu. Tâm tính của anh cũng thay đổi sau khi bị tai nạn, thường xuyên cáu bẳn, la hét. Những lúc như vậy, chị Thủy im lặng để cơn bực dọc vô cớ trong anh nguội bớt. “Hạnh phúc gia đình không phải là điều gì quá xa vời mà thật giản dị là sau mỗi lần đi làm về được các con ra đầu ngõ đón mừng, hay mỗi sáng dắt xe đi làm chồng đều chuẩn bị găng tay, khẩu trang, mũ bảo hiểm cho “chị dâu”. Nếu biết trân trọng, góp nhặt những điều tưởng chừng nho nhỏ ấy, chúng ta sẽ đón nhận “một hạnh phúc to”, chị Thủy tâm tình.
Biết ước mơ!
Không viết về cuộc đời mình, tác giả Lê Quang Thọ (giáo viên Trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Krông Ana) lại kể về câu chuyện của gia đình một người thân bằng tình cảm ngưỡng mộ. Anh Thọ chia sẻ: “Cuộc sống là sự vận động không ngừng. Mọi người nỗ lực học tập, làm việc để đạt đến cái đích cuối cùng là hạnh phúc cho bản thân và cho gia đình. Muốn có hạnh phúc thì phải biết ước mơ, sau đó từng bước biến ước mơ trở thành hiện thực. Có người bon chen một đời vẫn không tìm được hạnh phúc, có người mải mê tìm kiếm hạnh phúc không phải của mình, cũng có người cố gắng thực hiện những ước mơ nho nhỏ gom thành hạnh phúc lớn cho gia đình, anh Trần Thanh Hải (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) là người như vậy”. Anh Hải quan niệm: “Con người phải biết ước mơ, nhưng phải trong tầm tay, như vậy sẽ tránh được thất vọng và có mục đích phấn đấu”. Với suy nghĩ ấy, vợ chồng anh Hải - họa sĩ bán cơm sinh viên - đã nuôi 5 con thi đỗ đại học, cao đẳng. Điều đáng trân trọng ở vợ chồng nghèo này chính là khát vọng, nghị lực sống mạnh mẽ anh chị truyền cho các con. Tác giả viết: “Mười lăm năm sau tôi mới có dịp trở lại Buôn Ma Thuột, tìm thăm anh Hải như thăm người bạn vong niên. Anh không thay đổi nhiều, vẫn cách ăn mặc tuềnh toàng, mái tóc dài, bộ râu rậm trên khuôn mặt xương xương nhuốm vẻ phong trần. Anh vui mừng báo tin đã có căn nhà và bốn đứa con đậu đại học, một đang học cao đẳng. Ba đứa đã đi làm, đứa mới tốt nghiệp, đứa sang năm thứ hai. Cũng nhờ chúng nó biết ước mơ đó chú! Khi chia tay, tôi bày tỏ ý muốn kể lại câu chuyện về gia đình anh. Anh Hải khẽ khàng nói: “Mình không cho con được nhiều, chỉ giúp con biết ước mơ, nuôi dưỡng ước mơ và kiên trì biến ước mơ thành hiện thực. Hạnh phúc chỉ đến khi mọi người trong gia đình biết đấu tranh để giành lấy nó và dám hy sinh để bảo vệ nó. Phải biết mình là ai? Mình đang ở đâu trong cuộc đời này thì ước mơ mới không viễn vong xa vời. Đó cũng là điều kiện cần để xây đắp ước mơ và hạnh phúc gia đình”.
Còn đó nhiều câu chuyện “rất thật” về hạnh phúc gia đình, đó là niềm mong ước có được nụ cười của các thành viên trong gia đình bên mâm cơm ấm áp yêu thương; trên hành trình vun đắp hạnh phúc gia đình, với một khát khao có cuộc sống mới sau hôn nhân đầu tan vỡ nhưng vẫn không thành; đó còn là sự hy sinh, tấm lòng thủy chung của người vợ và luôn tự hào rằng “Hạnh phúc vì có anh bên đời”...
Sau hơn 1 năm phát động, Ban tổ chức Cuộc thi viết về “Hạnh phúc gia đình” lần đầu tiên tổ chức đã nhận gần 2.000 bài dự thi. Phần lớn tác giả là cây bút không chuyên (giáo viên, học sinh, công nhân, viên chức, người lao động...), nhưng bằng sự quan sát tinh tế, sự ngưỡng mộ, người viết đã phát hiện, giới thiệu các nhân tố điển hình, tích cực bằng ngôn từ mộc mạc, văn phong giản dị, gần gũi đời thường, vì vậy đã có sức lôi cuốn, hấp dẫn người đọc. |
Gia Nguyên
Ý kiến bạn đọc