Multimedia Đọc Báo in

Khi người dân chưa "tường" sự việc

11:34, 25/10/2015
Vừa qua, ở bến nước của buôn Dhă Prông (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) có một cây k’tung tuổi đời hàng trăm năm bị gãy, đổ được Ban tự quản buôn chặt hạ và bán cho một tư nhân.
 
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, một vài hộ dân trong buôn chưa nắm rõ sự việc đã có ý kiến phản ánh là buôn trưởng tự ý chặt hạ cây cổ thụ của buôn để bán trục lợi cho bản thân. Trên thực tế, cây cổ cụ này thân đã bị bọng từ gốc đến ngọn và gãy đổ vào phần đất rẫy trồng cây cà phê của người dân. Chính vì thế, nhằm tránh gây nguy hiểm tính mạng và thiệt hại diện tích đất cây trồng cà phê của bà con quanh khu vực bến nước, Ban tự quản buôn đã có tờ trình xin UBND xã khai thác để bán lấy tiền hỗ trợ thiệt hại cho những hộ có cây trồng bị ảnh hưởng, số tiền còn lại góp vào quỹ của buôn. Điều đáng nói ở đây là khi triển khai, do Ban tự quản không thông báo rộng rãi, cụ thể nên một số người đã không hiểu tường tận sự việc và phản ánh đến các cơ quan chức năng.

Thực tế lâu nay cộng đồng vẫn tham gia bảo vệ cây xanh, nhất là với những luật tục của đồng bào Êđê trong việc giữ gìn, bảo tồn cây lâu năm ở đầu nguồn bến nước; đặc biệt, cây rừng đã có từ thời xưa của ông bà để lại, bảo vệ cây rừng là bảo vệ buôn làng, nương rẫy, bến nước, hơn thế nữa là bảo vệ cuộc sống của nhân dân. Trong đó, cây cổ thụ là tài sản vô giá, không chỉ là nét đẹp cảnh quan môi trường, thiên nhiên mà còn là nét đẹp văn hóa, tâm linh. Phong tục, hương ước của đồng bào Êđê đã quy định, nếu ai chặt phá cây rừng ở đầu nguồn thì bị phạt cúng một con trâu, thậm chí là đền hết số lễ vật cộng lại từ xưa đến nay dân làng đã cúng ở bến nước. Do đó, khi chặt một cây cổ thụ của buôn nói riêng hay triển khai một việc mang tính chất cộng đồng nói chung đòi hỏi phải có sự thống nhất, phải phổ biến rộng rãi đến từng hộ dân nhằm tránh tình trạng người dân không nắm bắt thông tin, có những suy nghĩ, ý kiến sai lệch và tạo dư luận không tốt.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.