Nghề chăm nuôi sản phụ
Theo kinh nghiệm dân gian thì người phụ nữ khi sinh phải kiêng cữ rất nhiều và cần người có kinh nghiệm chăm sóc để giữ gìn sức khỏe. Nhiều gia đình trẻ, đa phần là công chức nhà nước sau khi kết hôn đều tách ra ở riêng và người thân thì ở xa nên đa số sản phụ trẻ đều rất sốt sắng trong việc tìm người nuôi đẻ. Theo tìm hiểu, hầu hết những người nuôi đẻ là phụ nữ luống tuổi, có kinh nghiệm trong việc chăm sóc em bé và sản phụ. Bà Hoàng Thị Xuân, trú Đạt Lý, xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột), một người có kinh nghiệm trong việc nuôi đẻ chia sẻ: Do có kinh nghiệm trong việc chăm sóc sản phụ sau sinh nên bà cũng thường làm thêm bằng cách “nuôi đẻ” cho những gia đình có nhu cầu. “Nhiều người thấy nghề này lương cao nên cũng thử làm nhưng không phải ai cũng làm được vì người nuôi đẻ phải có tính chịu khó, tận tình chăm sóc người mẹ và trẻ sơ sinh như người thân trong gia đình… Ngoài ra, phụ nữ sau sinh mà không kiêng cữ, chăm sóc đúng cách thì sau này xuống sức, xuống sắc nhanh lắm…”, bà Xuân cho hay. Còn bà Nguyễn Thị Hải, thôn 7, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) một người cũng làm nghề nuôi đẻ thì cho biết, việc chăm sóc mẹ còn đơn giản hơn so với việc chăm và giữ bé sơ sinh; nếu trẻ ngoan ít quấy khóc đêm thì người nuôi đẻ đỡ mệt hơn rất nhiều; còn không thì nhiều đêm phải thức trắng. Cũng theo bà Hải, việc chăm sóc phụ nữ và bé sau khi sinh không chỉ đòi hỏi kinh nghiệm mà phải có cả sức khỏe và sự kiên nhẫn. Một ngày làm việc của người nuôi đẻ thường bắt đầu từ 5 giờ sáng, như: nấu nước, chuẩn bị đồ ăn sáng, giặt giũ tã lót, dọn dẹp nhà cửa, đi chợ nấu ăn, ẵm dỗ bé, cho bé uống sữa...
Được biết, trong thời gian gần đây, do nhu cầu tìm người nuôi đẻ khá cao nên không ít người nuôi đẻ, ra nhiều điều kiện trong quá trình chăm sóc và không phải gia đình nào cũng tìm được người vừa ý. Nhiều người còn giận dỗi, bỏ việc giữa chừng. Bởi vậy nhiều gia đình vẫn chấp nhận đáp ứng nhiều nhu cầu, đòi hỏi của người nuôi đẻ vì không gì bằng “mẹ tròn, con vuông” sau mỗi lần “vượt cạn”.
Gia Thịnh
Ý kiến bạn đọc