Multimedia Đọc Báo in

Nhân Ngày Thế giới tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT năm 2015 (15-11-2015)

Tai nạn giao thông và hai mảnh đời mẹ góa con côi!

09:14, 13/11/2015

Mỗi một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra đều để lại hậu quả rất lớn, đó là sự ra đi vĩnh viễn của một mạng người, hay nhẹ hơn là những thương tật đeo đẳng suốt đời người, cuộc sống của nhiều gia đình vì thế rơi vào chuỗi dài bi kịch khi con mất cha, vợ mất chồng…

Chúng tôi tìm đến gia đình chị Nông Thị Dung (SN 1984), thôn Cao Bằng, xã Ea Yông (huyện Krông Pắc), trong căn nhà trống hoác, không có nổi một vật dụng nào giá trị, với chất giọng đều đều chị kể, năm 2000 chị kết hôn với anh La Văn Khánh, sau 8 năm chung sống vợ chồng có với nhau 2 con gái. Dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng vợ chồng chị vẫn sống khá hạnh phúc. Vào một ngày định mệnh (15-3-2008), trên đường đi chở thức ăn về cho heo, anh Khánh đã ra đi vĩnh viễn do TNGT. Lúc chồng chị mất, đứa con thứ 2 là cháu La Thị Ngọc Quyên (SN 2007) mới được hơn 3 tháng tuổi, phần vì cú sốc tinh thần, phần vì lo toan cuộc sống hàng ngày nên chị không còn sữa cho con bú; bữa ăn hằng ngày của mẹ con chị cũng thiếu trước hụt sau, thương con nhưng chị chỉ dành dụm đủ tiền mua sữa đặc về pha loãng cho con uống, còn khi hết tiền đành ngậm ngùi mua đường về thay sữa. Sau khi chồng mất, là chuỗi ngày dài đằng đẳng với bao khó khăn, thiếu thốn đối với 3 mẹ con chị, nhất là món nợ 20 triệu đồng trước đây do chăn nuôi thua lỗ đến giờ chị vẫn chưa trả hết. Nhà chỉ có 3 sào đất trồng cà phê, mỗi năm thu về chỉ được 2-3 tạ cà phê nhân, hằng ngày chị phải đi làm thuê nay đây mai đó để kiếm tiền trả nợ và nuôi con ăn học. Không còn chồng nhưng vì 2 con chị phải gắng sống, vượt qua nỗi đau. Cũng may là chị có 2 người con đều chăm ngoan học giỏi, mỗi lần đi làm thuê ở xa, chị gửi cháu nhỏ đến nhà ông bà nội, còn bé lớn ngoài những lúc đi học đều phải tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần theo mẹ đi làm thêm kiếm tiền đỡ đần mẹ… Mất bố khi còn đỏ hỏn, bé Ngọc Quyên (nay đã học lớp 2) thỏ thẻ, lúc nào mẹ Dung cũng nói với con là bố Khánh đi làm thuê ngoài Bắc, nhưng con nghe ông bà nói bố đã mất vì TNGT. Thương mẹ vất vả nên con không hư, con sẽ cố gắng học giỏi để mẹ vui.
Chị Trần Thị Lành, xã Ea Hiao (huyện Ea H’leo) bên bàn thờ  người chồng xấu số.
Chị Trần Thị Lành, xã Ea Hiao (huyện Ea H’leo) bên bàn thờ người chồng xấu số.

Cũng như chị Dung, chị Trần Thị Lành ở buôn Hiao 2, xã Ea Hiao (huyện Ea H’leo) cũng phải gánh chịu mất mát lớn vì sự ra đi của chồng do TNGT. Đó là vào tối 22-2-2014, chồng chị là anh Đào Văn Vinh, chạy xe máy chở theo em trai là Đào Văn Minh đang trên đường đi tưới cà phê thuê ở xã Đliê Yang về, khi đến địa bàn buôn Hiao 2 thì bị một xe máy chạy ngược chiều lấn đường bên trái tông mạnh khiến anh Vinh chết trên đường đi cấp cứu, anh Minh bị gãy chân phải. Chị Lành nghẹn ngào kể về ngày chồng mình ra đi, khi ấy chị và con trai út là cháu Đào Công Việt về quê ở Mỹ Đức, Hà Nội, người nhà gọi điện ra báo với chị là anh Vinh bị tai nạn gãy chân, mẹ con chị vội vàng bắt xe vào lại Đắk Lắk mới hay chồng mình đã ra đi vĩnh viễn.

Quá đau buồn, suy sụp, căn bệnh lao của chị cũng từ đó trở nên nặng hơn. Khó khăn chồng chất khó khăn, chồng mất, bản thân bệnh nặng, sức lao động không có, mọi công việc nặng nhọc trong gia đình chị đều trông cậy vào anh em họ hàng và bà con lối xóm. Thêm vào đó, món nợ để chị chữa chạy bệnh tật từ trong đến ngoài tỉnh hơn 100 triệu đồng luôn làm chị lo lắng, nhất là mỗi lần lên Buôn Ma Thuột hay đi TP. Hồ Chí Minh chữa bệnh dài ngày phải để 3 con nhỏ và mẹ già ở nhà không người trông nom và càng lo hơn vì nhà chị nằm trong rẫy cà phê khá vắng vẻ…

Mất chồng, mất cha, đồng nghĩa với mất trụ cột, mất chỗ dựa khiến nhiều gia đình vốn khó khăn càng khó khăn hơn. Xin mượn tựa đề cuốn sách “Đừng để phải nói hai tiếng giá như…” của Trương Nhất Vương để cảnh báo cho những người tham gia giao thông, người ngồi sau tay lái hãy chấp hành đúng quy định về Luật Giao thông đường bộ nhằm bảo vệ chính mình và người thân, để những vụ tai nạn thảm khốc sẽ không xảy ra, sự mất mát sẽ không đến với từng phận đời, từng gia đình…

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm thế giới có 1,3 triệu người chết và 20-50 triệu người bị thương vì TNGT đường bộ, trong đó có đến 46% nạn nhân là người đi bộ, xe đạp và mô tô. Tại Đắk Lắk, 9 tháng năm 2015 xảy ra 353 vụ TNGT, làm chết 193 người, bị thương 320 người, thiệt hại tài sản trên 1 tỷ đồng.

Nhân Ngày Thế giới tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT năm 2015, vào lúc 20 giờ 15 ngày 14-11-2015, Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh tổ chức Lễ tưởng niệm với thông điệp “Tưởng nhớ người đi, vì người đang sống”.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.