Multimedia Đọc Báo in

"Mái ấm công đoàn" tiếp sức cho đoàn viên nghèo

06:42, 13/12/2015

Trong những năm qua, Công đoàn ngành y tế Đắk Lắk đã chú trọng đẩy mạnh các hoạt động xã hội nhân đạo, từ thiện. Trong đó, vận động cán bộ, công nhân viên chức lao động trong toàn ngành tích cực hưởng ứng phong trào chung tay xây dựng “Mái ấm công đoàn” hỗ trợ nhà cho đoàn viên nghèo là hoạt động nổi bật được duy trì thường xuyên trong nhiều năm qua.

Để triển khai hoạt động này đạt kết quả tốt, hằng năm, Công đoàn ngành y tế đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở tiến hành rà soát những đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở. Ông Nguyễn Thành Thép, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành y tế cho biết: “Tiêu chí lựa chọn đối tượng để hỗ trợ phải là công nhân viên chức lao động ngành y tế, có thời gian công tác từ 7 năm trở lên, đang khó khăn về nhà ở, như: sống trong nhà tạm, nhà bị dột nát, hư hỏng nặng, bị thiên tai, hỏa hoạn hay những trường hợp đang sống chung với gia đình hoặc nhà thuê. Ngoài ra, đoàn viên đề nghị hỗ trợ phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà hoặc các giấy tờ hợp pháp khác chứng minh nguồn gốc tài sản thuộc quyền sở hữu của đoàn viên”. Trên cơ sở kết quả xét duyệt, Công đoàn ngành y tế hỗ trợ đoàn viên xây dựng nhà mới với mức từ 30-35 triệu đồng/nhà hoặc hỗ trợ sửa chữa từ 10-15 triệu đồng/ nhà. Từ hoạt động này, đã có hàng chục đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở. Chỉ tính trong 5 năm 2010 - 2015, Công đoàn ngành y tế đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà cho 17 đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền trên 460 triệu đồng.

Bàn giao nhà “Mái ấm công đoàn” cho gia đình chị H’Zel Niê, đoàn viên công đoàn cơ sở Trạm Y tế xã Ea Ning (huyện Cư Kuin).
Bàn giao nhà “Mái ấm công đoàn” cho gia đình chị H’Zel Niê, đoàn viên công đoàn cơ sở Trạm Y tế xã Ea Ning (huyện Cư Kuin).

Lập gia đình từ năm 2010 nhưng chưa có con, làm được bao nhiêu tiền, vợ chồng chị H’Zel Niê, đoàn viên công đoàn cơ sở Trạm Y tế xã Ea Ning (huyện Cư Kuin) đều tích cóp lo chạy chữa vô sinh nhưng kết quả vẫn không khả quan. Cách đây vài năm, mẹ chị H’Zel qua đời vì căn bệnh ung thư, tài sản đáng giá nhất của mẹ để lại cho vợ chồng chị là một căn nhà xập xệ, cũ kỹ.  Với mức lương trên 3 triệu đồng/tháng, chồng lại không có việc làm ổn định, một mình chị phải chăm lo cho 4 người, gồm: 2 vợ chồng, anh trai bị bệnh tâm thần và bà nội thường xuyên đau ốm. Vòng lẩn quẩn nghèo đói lại tiếp tục đeo bám gia đình chị khi cơn gió lốc vào đầu tháng 4-2015 đã làm căn nhà xập xệ bị sập đổ hoàn toàn. Công đoàn cơ sở Trạm Y tế xã Ea Ning đã làm đơn đề nghị Ban Chấp hành Công đoàn ngành hỗ trợ chị H’Zel xây lại nhà. Được Công đoàn ngành y tế hỗ trợ 30 triệu đồng từ quỹ “Mái ấm công đoàn” cộng với số tiền vay ngân hàng, anh em, đồng nghiệp, vợ chồng chị H’Zel đã xây được ngôi nhà vững chãi rộng 80 m2. Chị H’Zel Niê xúc động: “Nếu không có sự hỗ trợ của Công đoàn ngành, không biết đến khi nào gia đình em mới có nơi để tá túc. Em sẽ luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành công việc được giao để không phụ sự quan tâm của mọi người”.

Cùng niềm vui như vợ chồng chị H’Zel Niê, chị Phạm Thị Thúy đoàn viên công đoàn cơ sở Trạm Y tế thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp) cũng vừa được tặng một “Mái ấm công đoàn”. Cách đây vài năm, chồng  chị mất do bị tai nạn giao thông, không đất đai canh tác, với vỏn vẹn tiền lương trên 3 triệu đồng/tháng, chị Thúy phải chăm lo cho 2 con ăn học nên không có khả năng xây nhà. Ba mẹ con phải thuê nhà để ở. Trước tình cảnh khó khăn của chị, quỹ “Mái ấm công đoàn” đã hỗ trợ cho chị 30 triệu đồng, cùng với tiền vay mượn thêm từ bạn bè, đồng nghiệp, chị Thúy đã xây được một ngôi nhà của riêng mình. Chị vui mừng tâm sự: “Cảm ơn anh chị em đồng nghiệp đã giúp cho mẹ con tôi có một căn nhà, điều mà trước đây tôi chỉ dám mơ ước thôi”.

 Mỹ Hạnh - Quang Nhật 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.