Phập phồng nỗi lo cầu tạm
Đắk Lắk là tỉnh có nhiều cầu dân sinh bắc qua sông, suối, chủ yếu là cầu tạm nên sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.
Toàn tỉnh hiện có 318 cầu dân sinh bắc qua các sông, suối nhỏ chủ yếu ở các địa bàn thôn, buôn vùng sâu, vùng xa. Phần lớn các cầu này do người dân đóng góp xây dựng, còn lại được đầu tư từ các chương trình khác nhau; đến nay, đa số đã xuống cấp, hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.
Cầu tạm bằng gỗ tại xã Cư Elang (huyện Ea Kar) không có tay vịn 2 bên, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. |
Còn nhớ, vào đầu tháng 8-2015, cầu ông Lù, thôn 16, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) đã bị sập sau một trận mưa, mặt cầu bị đẩy trôi, trụ gỗ bị gãy, người dân địa phương đã khắc phục, nhưng không bảo đảm ATGT, phương tiện cơ giới không qua được. Được biết, cây cầu này được làm bằng gỗ, có tuổi thọ gần 40 năm, bên kia cầu là cánh đồng lúa của xã rộng khoảng 200 ha, do đó, hằng ngày có hàng trăm lượt người qua lại, cao điểm vào mùa thu hoạch có thể lên đến 1.000 lượt người/ngày. Hiện, cầu đã được tỉnh phân bổ 500 triệu đồng từ nguồn vốn phòng chống thiên tai của tỉnh để huyện khắc phục, sửa chữa, bảo đảm an toàn cho người dân đi lại.
Hay như vào năm 2013, cầu gỗ thôn 2B, xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) cũng bị nước cuốn trôi, sau đó được người dân địa phương làm lại. Qua 3 năm sử dụng, vào đầu tháng 8-2016, cây cầu này tiếp tục bị nước cuốn trôi hết kết cấu phần trên, chỉ còn lại mố cầu, khiến 100 hộ dân (35 hộ thường trú và 65 hộ có đất canh tác tại địa phương) bị cô lập đường đi. Ông Lê Trọng Trinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ea H’leo cho biết, sau sự cố cầu bị cuốn trôi 3 ngày, xã đã phối hợp với thôn tổ chức họp dân, huy động người dân đóng góp được 50 triệu đồng và tham gia ngày công; còn lại tỉnh và huyện cũng phân bổ kinh phí , dự kiến khoảng 100 triệu đồng để địa phương làm lại cầu. Về thiết kế kỹ thuật, công trình được Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện hỗ trợ và nếu việc xây dựng cầu kéo dài nhiều ngày, địa phương sẽ nhờ thêm các chiến sĩ Trung đoàn 66 tham gia ngày công. Về lâu dài, cầu thôn 2B đã được huyện đăng ký vào danh mục cầu dân sinh thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) sẽ được khởi công trong tương lai gần. Được biết, huyện Ea H’leo hiện có 46 cầu dân sinh tạm bợ, xuống cấp, nguy cơ bị sập, cuốn trôi rất cao…
Mới đây, đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiến hành rà soát các cầu dân sinh thuộc dự án LRAMP (đợt 2) tại thị xã Buôn Hồ và các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Pắc, Ea Kar, Ea H’leo… cho thấy, các cầu đều có kết cấu tạm bợ, chủ yếu được làm bằng gỗ tạp, thấp hơn mặt đường, hằng năm thường bị ngập nước, khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Quan sát một số cầu tại thị xã Buôn Hồ như cầu thôn 6A (xã Ea Siên), cầu tổ dân phố 12 (phường An Bình)… bắc qua suối, khi mùa mưa đến lượng nước đổ về nhiều, thường gây ngập cầu. Trong khi đó, huyện Ea Kar hiện có khoảng 44 cầu dân sinh, cầu treo trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng, một số cầu cần thiết phải xây dựng ngay như cầu thôn Hữu Nghị (xã Ea Đar); thôn 6B (xã Ea Pal); thôn 4 (xã Ea Kmút); thôn Quyết Tâm (xã Ea Tyh); thôn Trung Hòa (xã Xuân Phú); buôn Ea Rớt (xã Cư Elang)…
Trong khi chờ thủ tục, kinh phí triển khai các dự án xây dựng cầu, để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông qua các cầu yếu, xuống cấp, hư hỏng, cơ quan chức năng cần rà soát, cắm lại biển cảnh báo nguy hiểm để người dân biết và đề phòng tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là vào mùa mưa bão, nguy cơ sập, trôi cầu rất lớn.
Theo Quyết định 622/QĐ-BGTVT ngày 2-3-2016 của Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP), Đắk Lắk được xây dựng 122 cầu, kinh phí 193 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), ngân sách Trung ương và địa phương. Qua rà soát đợt 1, tỉnh được chấp thuận xây dựng 96 cầu, tổng mức đầu tư tạm tính 176,5 tỷ đồng. |
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc