Multimedia Đọc Báo in

"Tổ phụ nữ làm công" góp phần tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn

10:25, 24/08/2016

Dù thuộc thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) nhưng bà con ở tổ dân phố 8 vẫn chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp; những gia đình ít đất hoặc không có đất sản xuất thường không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh... Trước thực tế đó, nhằm giải quyết việc làm cho chị em trên địa bàn, năm 2011 Chi hội phụ nữ Tổ dân phố 8 đã triển khai xây dựng mô hình “Tổ phụ nữ làm công”.

Lúc đầu, mô hình chỉ có 12 thành viên tham gia, đến nay đã tăng lên 16 người. Tham gia mô hình này, các thành viên tự tìm kiếm công việc cho nhau, chị em nào tìm được việc thì gọi thêm các chị em khác cùng làm, vì vậy các chị em có việc làm thường xuyên hơn so với trước đây, thu nhập vì thế cũng ổn định hơn. Không chỉ giải quyết việc làm, “Tổ phụ nữ làm công” của tổ dân phố 8 còn giúp các thành viên có vốn phát triển sản xuất thông qua việc vận động các chị em trích lại một phần tiền công để gây quỹ. Bình quân, mỗi tháng tổ duy trì nguồn quỹ được 20 triệu đồng, qua đó giải quyết cho một thành viên vay, ưu tiên những hộ nghèo, khó khăn được vay trước. Tính đến nay, mỗi thành viên trong tổ đều đã được vay vốn từ 3 - 4 lần. Có công việc, lại có vốn làm ăn, nhiều chị đã thoát được nghèo, có cuộc sống ổn định. Trước đây, gia đình bà Hoàng Thị Trấn là một trong những hộ nghèo ở địa phương. Từ khi tham gia vào “Tổ phụ nữ làm công”, bà có nhiều việc làm hơn và còn được vay vốn đầu tư nuôi dê. Đến nay, gia đình bà đã nuôi dê được hơn 5 năm với quy mô đàn duy trì hơn 30 con, trong đó có 9 con dê mẹ. Mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí, gia đình bà còn có thu nhập hàng chục triệu đồng. Nguồn vốn tích lũy được từ nuôi dê, bà dùng để mua thêm bò về nuôi. Cuộc sống gia đình bà nhờ vậy cũng ổn định hơn trước rất nhiều.

Đánh giá về mô hình “Tổ phụ nữ làm công” của Chi hội phụ nữ tổ dân phố 8, bà Trịnh Thị Ngoan, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Quảng Phú cho biết: “Mô hình này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Từ khi có “Tổ phụ nữ làm công”, công việc của các chị em thường xuyên hơn, vào ngày mùa làm không hết việc. Các chị em còn tự tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, trên địa bàn thị trấn vẫn còn nhiều gia đình không có đất canh tác, không có việc làm thường xuyên, vì vậy chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình “Tổ phụ nữ làm công” để giúp nhiều lao động có việc làm ổn định, tăng thu nhập, góp phần đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương”.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.