Multimedia Đọc Báo in

Thách thức trong công tác giảm nghèo ở Ea Trul

09:30, 23/08/2016

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực cải thiện đời sống, đưa người dân từng bước thoát nghèo nhưng theo chuẩn tiếp cận nghèo đa chiều mới thì tỷ lệ hộ nghèo của xã Ea Trul (huyện Krông Bông) còn khá cao. Điều này đặt ra nhiều thách thức trong công tác giảm nghèo đối với chính quyền và người dân địa phương.

Hơn 7 năm có tên trong danh sách hộ nghèo buôn Ja và đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các chương trình, chính sách giảm nghèo nhưng gia đình chị H’Nut Niê vẫn chưa biết đến bao giờ mới thoát cảnh nghèo. 8 khẩu trong nhà chỉ trông chờ vào 1 sào lúa 1 vụ nên không đủ gạo ăn. Năm 2012, gia đình chị được cấp 1 con bò, 2 năm sau đẻ được 2 bê con nhưng cũng đành bán đi để mua gạo ăn và trang trải sinh hoạt phí nên số tiền 10 triệu đồng vay của Ngân hàng Chính sách xã hội từ năm 2002 đến nay đã gia hạn nhiều lần nhưng vẫn chưa trả được. “Căn nhà này là nhờ Chương trình 134 xây cho, bò, vốn sản xuất cũng đã được hỗ trợ nhưng vì quá khó khăn lại thiếu đất sản xuất nên chẳng thấm vào đâu, nghèo vẫn hoàn nghèo”, chị H’Nut than thở. Buôn Ja có 114 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nhưng có đến 65 hộ nghèo và cận nghèo. Toàn buôn có 46 ha ruộng nhưng phần lớn chỉ canh tác được 1 vụ do thiếu nước tưới. Theo ông Ama Phúc, Trưởng buôn Ja, những hộ nghèo trong buôn đều được hỗ trợ tiền điện, giống cây trồng, vật nuôi, xây nhà, hướng dẫn kỹ thuật nhưng do diện tích đất canh tác ít, không có vốn đầu tư và cả tâm lý “trông chờ, ỷ lại” nên cuộc sống người dân cứ mãi khó khăn. Ở buôn Plum, tình trạng trên cũng diễn ra tương tự. Toàn buôn có 172 hộ nhưng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 56%. Không chỉ các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, ở nhiều thôn người Kinh trên địa bàn xã, cuộc sống của người dân cũng không khá hơn là mấy. Chẳng hạn như thôn 2 có 352 hộ nhưng có đến 37 hộ nghèo, 149 hộ cận nghèo. Toàn thôn có 28 ha lúa vụ đông xuân, 50 ha lúa vụ hè thu, 400 ha ngô nhưng vì không có hồ đập nên không chủ động được nguồn nước, sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào trời, sản lượng rất bấp bênh.

Cán bộ giảm nghèo xã Ea Trul và Ban tự quản buôn Ja thăm hỏi tình hình sử dụng vốn vay của gia đình chị H’Nut Niê.
Cán bộ giảm nghèo xã Ea Trul và Ban tự quản buôn Ja thăm hỏi tình hình sử dụng vốn vay của gia đình chị H’Nut Niê.

Với mục tiêu phấn đấu giảm 3% hộ nghèo/năm, thời gian qua xã Ea Trul đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Từ năm 2010 đến nay, nhiều loại cây, con giống như lúa lai, ngô lai, sắn cao sản, bò lai, heo siêu nạc… đã được đưa vào sản xuất và từng bước cơ giới hóa từ khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế nông sản, góp phần chuyển từ độc canh cây lúa sang phát triển đa cây, đa con. Các đoàn thể đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức hội thảo đầu bờ, tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh cho hội viên. Để “trợ lực” cho người dân, chính quyền địa phương và các ngân hàng đã phối hợp giải ngân hơn 119,5 tỷ đồng vốn vay phát triển kinh tế, hướng dẫn sử dụng vốn vay hiệu quả. Bên cạnh đó, xã đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Những hộ nghèo, gia đình chính sách có công, người già neo đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật được thăm hỏi, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm, cấp thẻ bảo hiểm y tế, cây, con giống, cấp gạo cứu đói giáp hạt, hỗ trợ xây dựng nhà ở. Ngoài ra, xã Ea Trul cũng được hưởng lợi từ Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên trong việc cải thiện sinh kế, đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn. Tuy nhiên, theo cách tiếp cận nghèo đa chiều thì Ea Trul vẫn nằm trong nhóm các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện (chỉ sau xã Yang Mao).

Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã Ea Trul chiếm 28,7% thì đến nay đã tăng lên 36,88%; tỷ lệ hộ cận nghèo cũng tăng từ 24% lên 25,37%. Công tác giảm nghèo bền vững vẫn đang là bài toán khó đối với cấp ủy, chính quyền và người dân xã Ea Trul.

Qua tìm hiểu được biết, do đặc điểm địa hình của xã vào mùa mưa thường lụt lội, ngập úng, mùa nắng lại khô hạn nên nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất đều thiếu. Hơn nữa, hệ thống kênh mương thủy lợi chưa hoàn thiện, hồ đập ít, thời tiết khô hạn không có nguồn nước dự trữ nên ở nhiều thôn, buôn, việc canh tác của người dân chủ yếu phụ thuộc vào trời, chỉ trồng được 1 vụ/năm. Ngoài nông nghiệp, người dân hầu như không có ngành nghề nào khác bởi một số cơ sở sản xuất như mộc, xay xát, cơ khí, lò sấy… đều có quy mô nhỏ, manh mún. Vấn đề tạo việc làm cho lao động nông thôn cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều lao động đã được học nghề chăn nuôi, trồng trọt, sửa chữa máy nông nghiệp miễn phí từ Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhưng cũng không phát huy được nghề đã học do thiếu vốn và chưa tự tin vào trình độ tay nghề của mình.

Ông Phan Xuân Hóa, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Để giải quyết bài toán giảm nghèo, địa phương đang rất cần sự trợ lực từ nhiều phía. Trước mắt đó là việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tìm ra giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Và quan trọng hơn, mỗi hộ cần phát huy nội lực và ý thức vươn lên thoát nghèo bền vững”.      

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Sôi nổi Giải Bóng đá mini nam Báo Đắk Lắk mở rộng lần thứ X – Năm 2024
Chào mừng kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), nhằm tạo sân chơi bổ ích cho những người yêu thích môn bóng đá mini, từ ngày 13 đến 15/6, Báo Đắk Lắk đã tổ chức Giải Bóng đá mini nam Báo Đắk Lắk mở rộng lần thứ X – Năm 2024.