Nối thành công bàn chân bị máy cắt cỏ xén đứt lìa
Bác sĩ Nguyễn Minh Trực, Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, khoa vừa nối thành công bàn chân đứt lìa do tai nạn lao động cho bệnh nhân Y Lâm H’Ra, 24 tuổi (ở Buôn B1, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp).
Trước đó, ngày 9-10-2016, Y Lâm đang cắt cỏ ở rẫy của gia đình thì bị lưỡi cưa của máy cắt cỏ xén đứt lìa cổ chân bên trái. Y Lâm được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu trong tình trạng: mất máu cấp; da xanh; niêm mạc nhợt; vết thương đứt lìa trên khớp cổ chân ngang qua 2 mắt cá trong và ngoài; gãy xương chày; đứt động mạch, tĩnh mạch chày trước, chày sau; đứt gân cơ chày trước, chày sau, vào viện sau 8 giờ bị tai nạn. Bệnh nhân được chuyển mổ cấp cứu ngay sau đó.
Một tuần sau phẫu thuật, sức khỏe của Y Lâm tiến triển tốt, chi khâu nối đứt lìa có dấu hiệu tốt, đã vận động được nhẹ nhàng ngón chân, tiên lượng bàn chân sống. Tuy nhiên để bàn chân có thể quay trở lại hoạt động bình thường, Y Lâm phải tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng.
Bác sĩ Nguyễn Minh Trực kiểm tra vết thương bàn chân sau phẫu thuật cho bệnh nhân |
Được biết, hoàn cảnh của Y Lâm H’Ra rất khó khăn, cả 2 vợ chồng đều không có việc làm ổn định, thường xuyên phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi con nhỏ. Trong khi đó, Y Lâm lại không có thẻ Bảo hiểm y tế nên hiện chưa có tiền trả viện phí. Những ngày điều trị tại bệnh viện, Y Lâm đã được khoa Chấn thương chỉnh hình hỗ trợ bữa ăn từ thiện, một số cá nhân quyên góp giúp đỡ được gần 4 triệu đồng. Song với số tiền viện phí lên đến hàng chục triệu đồng, vợ chồng em vẫn chưa biết phải xoay sở thế nào.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Trực, trường hợp bị máy cắt cỏ xén đứt lìa chi (tay, chân) là tai nạn thường gặp trên địa bàn tỉnh và đa số bệnh nhân đều ở vùng sâu vùng xa. Do đó, khi gặp tai nạn này người dân cần biết cách sơ cứu nạn nhân và bảo quản phần chi đứt lìa đúng cách. Đầu tiên phải ga rô vùng trên vết thương bằng thun hoặc vải buộc chặt để cầm máu, chống sốc cho bệnh nhân. Tiếp đó rửa phần chi bị đứt lìa bằng nước sạch, lau khô, bọc lại bằng vải mỏng hoặc gạc sạch, sau đó bỏ vào túi ni lông kín rồi mới để vào trong thùng đá lạnh bảo quản. Cuối cùng, nhanh chóng đưa nạn nhân cùng phần chi đã được xử lý bảo quản tới bệnh viện, tốt nhất nên đến trước 6 tiếng sau chấn thương để tỷ lệ nối thành công cao hơn và nguy cơ nhiễm trùng ít hơn.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc