Nguy cơ mai một nghề đan lát của người Êđê
Từ lâu, nghề đan lát truyền thống đã trở thành nét văn hóa độc đáo của đồng bào Êđê ở buôn Ea Nao A (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung. Tuy nhiên nghề đan lát truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền...
Với sự cần cù, khéo léo, đồng bào Êđê ở buôn Ea Nao A đã “thổi hồn” vào những cây tre, cây nứa, sợi mây… để tạo ra những sản phẩm giản dị, tiện ích và mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc. Sản phẩm đan lát của đồng bào khá đa dạng và phong phú. Ngoài những dụng cụ, vật dụng thường nhật như: rế, rổ, mẹt…, bà con còn đan những vật dụng dùng trong sản xuất nông nghiệp như: nong, nia, gùi, vợt…
Các sản phẩm đan lát truyền thống được làm rất tỉ mẩn, đòi hỏi kinh nghiệm và sự khéo léo. Ông Y D’hang Niê, ở buôn Ea Nao A năm nay gần 90 tuổi, thì đã nửa đời làm nghề đan lát cho biết, nguyên liệu để đan gồm nứa, lồ ô, tre, vầu... nhưng được sử dụng nhiều nhất là tre. Người đan chọn những cây tre già, thân thẳng, thưa đốt đem phơi nắng từ 2 đến 3 ngày rồi chặt thành từng khúc, hơ lên lửa ngọn để tạo màu vàng đen và tăng độ bền của vật dụng, sau đó chẻ đoạn tre thành nan, rồi vót, chuốt để nan có độ mềm, nhẵn; còn độ dài, rộng tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Người đan vận dụng sự khéo léo và đôi bàn tay chắc khỏe để các nan tre được đan khít vào nhau, làm cho sản phẩm chắc chắn, không bị cong vênh.
Ông Y D'hang Niê kiểm tra lại những hoa văn của sản phẩm đan lát truyền thống. |
Công đoạn cuối cùng là vô vành. Đây là công đoạn rất quan trọng, nếu không có kinh nghiệm, vành sẽ bị méo không đạt yêu cầu. Sau cùng người đan cột chặt vành bằng dây mây hoặc dây cước. Ông Y D’hang chia sẻ: “Mỗi sản phẩm có một kỹ thuật đan riêng, như: cái sàng để sàng gạo thì lỗ bé, sàng cà phê thì lỗ to, rổ đựng nông sản thì “mắt” đan dày, rổ để xúc cá thì “mắt” đan thưa hơn… Điểm độc đáo ở sản phẩm đan lát của người Êđê chính là hoa văn. Người đan kết hợp những sợi nan màu trắng, vàng, đen... một cách khéo léo, từ đó tạo nên các hình ảnh mang tính nghệ thuật như hoa văn cà tím, hoa văn zích zắc...”.
Ông Bùi Văn Hượng, cán bộ Văn hóa - Thông tin xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, trước đây sản phẩm đan lát là những vật dụng không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người Êđê. Tuy nhiên, do sự cạnh tranh của những đồ dùng bằng nhựa, inox… nên các vật dụng được làm bằng mây, tre, nứa không còn “đất sống”. Các nghệ nhân đan lát trong nhiều buôn ở xã Ea Tu giờ đã lớn tuổi, chỉ có một số ít người còn gắn bó với nghề đan. Đơn cử như tại buôn Ea Nao A chỉ còn mỗi mình chị H’Piăk Kbuôr biết đan lát. Song chị H’Piăk lại bị liệt hai chân, sức khỏe yếu nên làm không được nhiều sản phẩm. Đầu ra của các vật dụng đan lát khá bấp bênh nên mỗi ngày chị H’Piăk chỉ bán được 1 sản phẩm, khoảng 100.000 đồng nên cũng khó sống được với nghề.
“Nghệ nhân không sống được với nghề, còn người trẻ lại ít quan tâm. Nguy cơ mai một nghề đan lát truyền thống ở buôn Ea Nao A đang hiện rõ. Điều mà người dân buôn Ea Nao A nói riêng và bà con Êđê xã Ea Tu đang rất cần là sự hỗ trợ của Nhà nước để có được một định hướng đúng đắn cho sự phát triển của ngành nghề, giúp bà con có thể thoát khỏi cuộc sống bấp bênh bằng chính nghề truyền thống đã gắn bó từ hàng trăm năm qua”, ông Hượng trăn trở.
Nguyễn Hoàng
Ý kiến bạn đọc