Người "gỡ rối" của buôn Sruông
Từng giữ vai trò là trưởng buôn trong 28 năm liền (từ năm 1975 – 2003) nên già làng Y Krăng Đăk Căt (buôn Sruông, xã Bông Krang, huyện Lắk) hiểu rõ hoàn cảnh của từng gia đình, cá nhân trong buôn.
Nhờ vậy, ông rất thuận lợi trong công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là với công tác hòa giải cơ sở.
Già Y Krăng chăm sóc vườn cây của gia đình. |
Năm 2004 đến nay, ông được bà con trong buôn tin tưởng, bầu làm già làng và tổ trưởng tổ hòa giải của buôn Sruông. Với vai trò này, già cùng với các thành viên trong tổ hòa giải và ban tự quản buôn đã giải quyết khoảng 100 vụ liên quan đến tranh chấp đất đai, mâu thuẫn nội bộ gia đình, làng xóm… Già kể, nhiều vụ tranh chấp đất đai giữa 2 gia đình kề nhau cả năm trời không giải quyết được, tưởng chừng phải kéo nhau ra tòa, song khi tổ hòa giải đến phân tích cặn kẽ, cùng với những lý giải thấu tình đạt lý của già, những mâu thuẫn, tranh chấp dần được giải quyết bằng tình làng nghĩa xóm. Chẳng hạn như vụ tranh chấp đất ở giữa hộ H’Viêng Liêng với hộ H’Brông Kmăn, chỉ vì 1 miếng đất nhỏ mà cả năm trời 2 gia đình ở cạnh nhau không qua lại, chào hỏi, thậm chí con cái họ cũng không cho sang chơi. Già phải đến nhà phân giải rằng đất đai với ai cũng quý giá, nhưng vì 1 miếng đất nhỏ mà mất đi tình làng nghĩa xóm thì không nên, người này nhường người kia một tí thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Sau 3 lần già đến tận nhà can thiệp, động viên mọi mâu thuẫn lâu nay giữa 2 hộ đã được hòa giải. Mới đây nhất là vụ cãi nhau dẫn đến xô xát giữa Y Khăn Lưk với Y Chức Liêng, khi nghe bà con báo tin 2 người đánh nhau, già nhanh chóng đến nơi. Là người ở giữa, già không bênh vực ai, lần lượt già bảo từng người kể đầu đuôi câu chuyện, rồi phân tích cái đúng, cái sai của từng người. Sau khi nghe già phân giải, Y Khăn và Y Chức đã vui vẻ bắt tay, xin lỗi nhau trước sự chứng kiến của nhiều bà con trong buôn.
Tùy từng vụ việc mà cách hòa giải của già có những cách khác nhau. Riêng đối với các vụ hòa giải liên quan đến hôn nhân gia đình, già luôn đưa con cái của họ ra để làm cầu nối gắn kết tình cảm của từng cặp vợ chồng. Bởi dù có mâu thuẫn đến đâu, nhưng vì sợ thiệt thòi cho con cái nếu thiếu cha hoặc thiếu mẹ, bất cứ cặp vợ chồng nào cũng suy nghĩ lại và làm hòa. Đó là kinh nghiệm giúp già và tổ hòa giải giải quyết thành công hàng chục cuộc mâu thuẫn gia đình tại buôn Sruông.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc