Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Đổi thay các vùng đồng bào dân tộc thiểu số

05:35, 04/09/2017

Bằng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ thiết thực, diện mạo của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột những năm gần đây có nhiều khởi sắc.

Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, những năm qua, TP. Buôn Ma Thuột đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội ở 33 buôn đồng bào DTTS. Trong đó, nhiều mô hình, chương trình hỗ trợ, đầu tư đã tạo được hiệu ứng thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các hộ đồng bào DTTS. Đơn cử như Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 28-3-2012 của UBND thành phố về phát triển kinh tế - xã hội các buôn, cụm dân cư đồng bào DTTS đến năm 2015 đã bố trí hơn 12 tỷ đồng, hỗ trợ 40 thôn, buôn để phát triển kinh tế - xã hội. Hay như mới đây, UBND thành phố đã quyết định hỗ trợ ngân sách cho các xã mua vật liệu đá xây dựng làm đường giao thông nông thôn cho các buôn đồng bào DTTS…

Là một trong những buôn đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn của xã Cư Êbur, mới đây buôn Kdun đã được UBND thành phố hỗ trợ xi măng và đá để xây dựng 3 đoạn đường nội buôn với tổng chiều dài hơn 650 m. Chị Kpă H’Liên, buôn phó buôn Kdun chia sẻ, trước đây, các đoạn đường nội buôn thường lầy lội vào mùa mưa và bụi mù vào mùa khô, gây nhiều khó khăn cho người dân trong việc đi lại. Tuy nhiên, nhờ được UBND thành phố hỗ trợ vật liệu và đoàn viên thanh niên Thành Đoàn Buôn Ma Thuột giúp ngày công, các đoạn đường này đã được bê tông hóa. Việc này không chỉ giúp địa phương sớm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới mà quan trọng hơn nữa là người dân trong buôn không còn chịu cảnh đi lại trên những con đường đất đỏ lầy lội.

Nông dân xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) phát triển sản xuất từ cây tiêu.
Nông dân xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) phát triển sản xuất từ cây tiêu.

Song song đó, thành phố cũng đã triển khai đồng bộ các chương trình như cấp đất, hỗ trợ chăn nuôi, mua sắm nông cụ, máy móc và nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào DTTS theo Chương trình 134, Quyết định 755 của Chính phủ… tạo đà cho bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Không những thế, các tổ chức, đoàn thể thành phố còn tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp đồng bào DTTS thay đổi tập quán sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh thâm canh, đầu tư máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản nông lâm sản...

Xã Ea Kao có gần 50% dân số là đồng bào DTTS, những năm qua, với sự đầu tư, hỗ trợ của chính quyền các cấp và sự nỗ lực của địa phương, đời sống các hộ đồng bào DTTS nơi đây đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Những con đường đất đỏ bụi mù trước đây đã được nhựa hóa; hệ thống đường điện được đầu tư đến tận các thôn, buôn; đặc biệt, nhiều hộ đồng bào DTTS đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế… Đơn cử như hộ bà H’Blo H’Môk (buôn H’đất) trước đây chỉ biết trông chờ vào mấy sào đất rẫy trồng ngô, sắn. Năm 2000, sau khi được hỗ trợ 1 con bò giống, bà đã học hỏi thêm kinh nghiệm chăn nuôi, đến nay, đàn bò của gia đình bà đã phát triển lên đến hàng chục con. Cũng nhờ đó, kinh tế gia đình bà từ hộ nghèo vươn lên khá giả với thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Ông Trương Vĩnh Mai, Trưởng phòng Dân tộc thành phố cho biết: “Những năm qua, thành phố đã tập trung các nguồn lực cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ từ cấp trên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các thôn, buôn, cụm dân cư đồng bào DTTS một cách đồng bộ, toàn diện nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần và đảm bảo an sinh xã hội. Hiện nay, Phòng đang rà soát, thống kê những hộ đồng bào DTTS còn khó khăn để thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ”.

Tỷ lệ hộ nghèo của thành phố đã giảm từ 5,46% (năm 2011) đến nay xuống còn 1,55%; trong đó, có hộ đồng bào DTTS chiếm 47,2% (571 hộ); 100% buôn trên địa bàn thành phố đã có điện sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà trẻ, lớp mẫu giáo; hệ thống các công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng được nâng cấp, sửa chữa… 

 

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.