Ngôi làng chỉ có… trẻ em
Đang ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, thay vì được sống trong sự bao bọc của cha mẹ thì các em phải sống tự lập trong những ngôi nhà không có… người lớn. Chuyện ngỡ như đùa nhưng lại có thật tại thôn Giang Đông, xã Ea Dah (huyện Krông Năng).
Làng… trẻ em
Chúng tôi tìm về khu tái định cư Giang Đông vào buổi sáng. Ở đây có dăm chục nhà xây và vài căn nhà gỗ lụp xụp trải dài trên địa hình đồi dốc lởm chởm đá, cỏ hoang giăng đầy khắp nơi. Làng không một bóng người… Chảo A Pính, thôn phó thôn Giang Đông giải thích: “Bọn trẻ đi học cả rồi, đến trưa mới về.”
Theo Chảo A Pính cho biết thì đây là khu tái định cư do Nhà nước xây dựng theo Chương trình 134 từ năm 2004. Tại đây, Nhà nước đã đầu tư xây dựng 74 ngôi nhà xây và 15 căn nhà gỗ để ổn định dân di cư tự do. Tuy nhiên do đất đai cằn cỗi, địa hình không bằng phẳng lại thiếu hệ thống thủy lợi nên người dân chỉ đến ở được một thời gian thì bỏ về làng cũ trong rừng để đi làm rẫy. Những ngôi nhà tái định cư này giờ trở thành nơi “trọ học” cho con em họ. Theo lời ông Pính thì hiện làng có khoảng 40 đứa trẻ (từ 6 đến 15 tuổi) cùng một số ít người già sinh sống. “Trường học cách đây khoảng 300 m. Cha mẹ chúng để con ở lại học, thi thoảng mới ra thăm cho ít tiền và thức ăn. Ở đây đứa lớn trông đứa nhỏ, tự lập hết mọi việc.” – ông Chảo A Pính nói thêm.
11 giờ 15, sau giờ tan trường, ngôi làng như có sinh khí hẳn lên bởi sự tất bật của đám trẻ. Vừa cất cặp trong nhà, một bé gái đen nhẻm, mới học lớp 1, đã vội mang thau ra bể nước cách đó 200 m giặt đồ, rồi cẩn thận phơi chiếc áo trắng lên cành cây. Em khác lại lúi húi vo gạo bắc cơm, vừa thổi lửa vừa dụi mắt vì khói. “Cháu ở đây cùng với anh trai để học chữ, còn bố mẹ thì ở trong thôn cũ để làm rẫy kiếm tiền. Lâu lâu mẹ cháu mới ra thăm và mang cá cho cháu ăn” - Hờ Thị Mai Phương (học lớp 1) vừa nhóm lửa thổi cơm vừa trò chuyện.
Không có người lớn, các em phải tự giặt đồ cho mình. |
Quan sát những căn nhà trong ngôi làng chỉ có trẻ em này, chúng tôi không khỏi nhói lòng. Phía trong mỗi căn nhà đều tuềnh toàng, quần áo, đồ dùng để vương vãi khắp nơi. Thức ăn của các em chủ yếu là cơm trắng, mì tôm và rau rừng. Cũng có mâm cơm được vài mẩu cá khô. Vàng Thị Vang (học lớp 5) cho hay: “Ở đây ai cũng vậy, thường được bố mẹ cho hai ba chục nghìn đồng để mua thức ăn trong một tuần. Thứ bảy, bố mẹ lại ra đón em về nhà (làng cũ nơi bố mẹ sinh sống - PV) chơi, đến chủ nhật chở ra để đi học…”.
Lắm nỗi lo
Theo chân ông Chảo A Pính, chúng tôi vượt trên 10 km để đến thôn Giang Đông cũ, nằm heo hút trong những cánh rừng. Thôn có 169 hộ, hơn 800 nhân khẩu. Không có điện và thiếu nước sạch, cuộc sống của người dân nơi đây dường như biệt lập với thế giới bên ngoài. Ở đây, có rất nhiều gia đình vì quá khó khăn nên con em họ dần bỏ học để theo cha mẹ đi làm.
Chiều muộn, người dân lũ lượt từ trong rừng, rẫy kéo về. Gặp chúng tôi, một phụ nữ nhìn khá khắc khổ tên Dét (30 tuổi) trải lòng: “Nhà tôi có 6 sào lúa, làm mãi vẫn không đủ ăn. Dẫu vậy nhưng tôi vẫn cố gắng cho 2 đứa con (lớp 1 và lớp 2 - PV) ra ngoài khu tái định cư để học. Giữa tuần tranh thủ mang thức ăn ra cho tụi nhỏ. Cũng nhớ nó lắm nhưng không biết làm sao”... Nước mắt lưng tròng, chị tiếp lời: “Hôm mới nhập học, đứa nhỏ cứ khóc đòi mẹ hoài. Mỗi lần về thăm nhà là cháu ôm mẹ chặt cứng không chịu đi học nữa. Nhưng biết làm sao được, ở đây ai cũng vậy cả. Vì cuộc sống nên đành chấp nhận xa con, bỏ con bơ vơ. Chỉ mong bọn chúng chăm học, kiếm được con chữ để sau này đỡ khổ hơn bố mẹ…”.
Chúng tôi vô tình gặp được chị Dương Thị Tuyết, trưởng nhóm thiện nguyện Nhịp cầu yêu thương KRN, khi chị đang thực hiện dự án cập nhật sức khỏe và giới tính cho trẻ em khu tái định cư Giang Đông. Chị chia sẻ: “Vì các em phải sống xa gia đình, mọi thứ đều tự lập nên thông tin sức khỏe sinh sản vị thành niên còn hạn chế. Chính vì vậy, chúng tôi triển khai dự án này nhằm trang bị kiến thức cho các em, tránh tình trạng bỏ học và nạn tảo hôn…”.
Rõ ràng, khát khao cho con mình được đi học của chị Dét cũng như hàng chục gia đình ở thôn Giang Đông nghèo khó này là rất đáng trân trọng. Nhưng thực tế cho thấy, việc các em nhỏ phải sống với nhau mà không có người lớn bên cạnh lại đang là nỗi lo không của riêng ai.
Thùy Duyên
Ý kiến bạn đọc