Multimedia Đọc Báo in

Nữ phó trưởng thôn nhiệt tình với công tác xã hội

10:10, 27/10/2017

“Một người phụ nữ nhanh nhẹn, nhiệt tình, năng nổ, không chỉ đảm đang việc nhà mà còn tận tâm với công tác xã hội” - ông Đoàn Hữu, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) đã nhận xét về chị Phạm Thị Điển, Phó trưởng thôn 11, xã Hòa Lễ như thế…

Năm 1988, gia đình chị Điển rời quê hương Hà Nam vào xây dựng quê hương mới ở khu vực Bàu Sen (nay là thôn 11, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông). Là người hoạt bát, năng động, không chỉ lo làm kinh tế gia đình, chị Điển còn tích cực tham gia hoạt động phong trào ở cơ sở.

Từ năm 1999 - 2011, chị đảm nhiệm nhiều vai trò trong các hội, đoàn thể địa phương như: tổ trưởng rồi Chi hội trưởng phụ nữ, Chi hội trưởng nông dân kiêm khuyến nông viên thôn 11. Ở vai trò nào, chị cũng nhiệt tình, xông xáo; thường xuyên sâu sát với hội viên, tổ chức nhiều hình thức tập hợp, thu hút hội viên tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện phát triển kinh tế; xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc; chia sẻ, giúp đỡ vật chất, động viên các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Chị Điển (trái) hướng dẫn người dân cải tạo đất một vụ thành hai vụ.
Chị Điển (trái) hướng dẫn người dân cải tạo đất một vụ thành hai vụ.

Đến năm 2014, chị Điển được nhân dân trong thôn tín nhiệm bầu làm Phó trưởng thôn. Trên cương vị mới, chị luôn gương mẫu trong công tác và sinh hoạt, tôn trọng và lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Nhờ sự tháo vát, năng động của mình, chị đã giải quyết tốt những công việc nhạy cảm, phức tạp.

Điển hình là việc xây dựng mương dẫn nước vào ruộng ở cánh đồng Bàu Sen. Năm 2015, hệ thống thủy lợi của xã Hòa Lễ đã đưa nước về đến đầu cánh đồng Bàu Sen, tuy nhiên không dẫn được nước vào ruộng do không có mương, muốn làm mương thì phải đi qua đất của một hộ dân ở khác thôn. Sau khi tìm hiểu thực địa, bản thân chị Điển đã trực tiếp đến thuyết phục hộ dân đang có đất sản xuất liền kề, thỏa thuận mức đền bù số diện tích mà con mương sẽ đi ngang qua, đồng thời vận động nhân dân đóng góp được 12 triệu đồng, hợp đồng xe cơ giới làm hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu. Đến nay, 20 ha ruộng nước hai vụ của bà con trong thôn đã có đủ nước tưới.

Chị Điển bên con mương dẫn nước vào cánh đồng Bàu Sen.
Chị Điển bên con mương dẫn nước vào cánh đồng Bàu Sen.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chị Điển cùng với Ban phát triển, Ban giám sát cộng đồng của thôn “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền cho người dân hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới… Nhờ vậy, người dân trong thôn đã tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng 330 m đường bê tông; đóng góp hàng trăm ngày công nâng cấp, mở rộng 2 km đường giao thông nội vùng, xây dựng cổng chào thôn,  hội trường thôn…

Để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con trong thôn, chị Điển và các đoàn thể vận động nhân dân tích cực thi đua lao động sản xuất, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Chị vận động các gia đình không để con em mắc các tệ nạn xã hội, củng cố tình đoàn kết, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Chị còn góp phần hòa giải thành công hàng chục vụ mâu thuẫn gia đình, tranh chấp đất đai… trên địa bàn thôn.

Không chỉ tích cực tham gia công tác xã hội, chị còn chăm lo lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Với 1,5 ha cà phê, 1,4 ha ruộng nước và 0,8 ha đất màu, mỗi năm gia đình chị có nguồn thu nhập bình quân 200 triệu đồng.

Với những nỗ lực trong công tác, chị Điển đã được UBND huyện Krông Bông tặng Giấy khen về thành tích thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 3 năm liền (2014 – 2016).      

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.