Multimedia Đọc Báo in

Đùm bọc nhau qua cơn hoạn nạn

09:53, 22/11/2017

Bão số 12 đi qua, để lại những tổn thất nặng nề cho hàng trăm hộ dân ở các xã vùng sâu huyện Krông Bông. Cùng với sự hỗ trợ, chia sẻ của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm khắp nơi, nhiều bà con trong vùng bão cũng chung tay, chia sẻ khó khăn với những gia đình bị thiệt hại nhiều hơn.

Nằm ngay trong vùng bão đi qua, gia đình bà Trần Thị Lịch, một tiểu thương ở xã Cư Đrăm cũng bị thiệt hại nhưng không đáng kể. Chứng kiến cảnh tượng thiệt hại của những hộ dân nghèo xung quanh, bà Lịch đã vận động con cháu trong gia đình hỗ trợ 40 suất quà tặng bà con ở buôn Chàm A, xã Cư Đrăm (nơi bà sinh sống) và 500 suất quà tặng 500 gia đình người M’nông bị thiệt hại do bão ở xã Yang Mao. Bà Lịch tâm sự: “Nhìn cảnh nhiều nhà không còn nhà để ở, không có gạo ăn thì những thiệt hại của gia đình tôi có sá gì. Vì vậy, tôi quyết định bỏ tiền tích cóp của gia đình và vận động thêm người thân ở Nam Định mua 3 tấn gạo, 385 thùng mì tôm, 200 bộ quần áo và tiền mặt để tặng cho những hộ bị thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra”.

Đại diện Đoàn Khối các Cơ quan tỉnh tặng quà cho người dân bị thiệt hại do bão số 12 tại xã Yang Mao (huyện Krông Bông).  Ảnh: V. Anh
Đại diện Đoàn Khối các Cơ quan tỉnh tặng quà cho người dân bị thiệt hại do bão số 12 tại xã Yang Mao (huyện Krông Bông). Ảnh: V. Anh

Dù nhà cũng bị tốc mái nhưng bà Niê Thanh Trang, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cư Đrăm lại tập trung chăm lo cho các hộ dân khác cũng bị hư hỏng nhà cửa. Bà Trang đã vận động các học viên cùng lớp cao cấp chính trị với bà đóng góp được gần 20 triệu đồng để hỗ trợ bà con trong buôn có nhà bị hư hỏng. Còn cô H’Drai Byă, giáo viên Trường Tiểu học Yang Mao, ngay sau khi bão tan đã đến  từng nhà người dân trong buôn, trong xã để thăm hỏi, động viên. Thông qua mạng xã hội, cô đã vận động bạn bè, các nhà hảo tâm đóng góp kinh phí hỗ trợ bà con vùng bão. Cô và các bạn trong nhóm thiện nguyện đã tặng 140 suất quà (trị giá gần 500.000 đồng/suất) cho những gia đình khó khăn có nhà bị sập hoặc tốc mái.

Cô bé Vũ Thị Hồng, học sinh lớp 11A4 Trường THPT Trần Hưng Đạo và một số bạn cùng lớp nhà ở xã Cư Đrăm nằm trong vùng bão đi qua. Chứng kiến nhà một số bạn học cùng lớp ở buôn Tar (xã Yang Mao) bị sập do bão và có nguy cơ bỏ học, Hồng đã vận động các bạn trong lớp góp tiền hỗ trợ các bạn. Hồng bộc bạch: “Gia đình các bạn khó khăn lắm. Bão đi qua giờ nhà cửa không còn nên cuộc sống càng khó khăn hơn. Em và các bạn trong lớp dùng tiền tiết kiệm bố mẹ cho ăn sáng, người 10.000 đồng, người 20.000 đồng, góp được tổng số hơn 700.000 đồng để giúp gia đình 3 bạn, tặng các bạn quần áo, sách vở, mong các bạn bớt khó khăn để tiếp tục đến trường”.

Bà Trần Thị Lịch (xã Cư Đrăm) tặng gạo, mì tôm và quần áo cho bà con bị thiên tai ở xã Yang Mao.
Bà Trần Thị Lịch (xã Cư Đrăm) tặng gạo, mì tôm và quần áo cho bà con bị thiên tai ở xã Yang Mao.

Trong những ngày qua vẫn có hàng chục tổ chức, cá nhân tiếp tục vào xã Yang Mao thăm hỏi, tặng quà; hàng trăm chiến sĩ công an, bộ đội vẫn đang ở lại giúp bà con dựng lại nhà cửa. Ông Trần Kim Phụng, Phó Chủ tịch UBND xã Yang Mao cảm động chia sẻ: “Thiệt hại sau cơn bão của bà con ở xã Yang Mao là rất nặng nề. 106 căn nhà bị sập, 437 căn nhà tốc mái, hơn 330 ha bắp, cà phê, hồ tiêu bị mất trắng. Thấu hiểu được những khó khăn mà bà con phải đối mặt khi cơn bão đi qua, đã có trên 30 đoàn của tỉnh, huyện và những tấm lòng thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân ở các nơi đến chia sẻ tiền, gạo, mì tôm, nhu yếu phẩm trị giá hơn 1,2 tỷ đồng. Đặc biệt, sự sẻ chia, đùm bọc của chính những bà con trong vùng bão như gia đình cô Lịch, cô H’Drai Byă, các em học sinh người địa phương… là động lực rất lớn giúp bà con vượt qua hoạn nạn”.

  Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.