Thả nổi việc quản lý giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ
Thời gian gần đây, thực trạng kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) tràn lan, chưa được kiểm soát đang gióng lên hồi chuông báo động về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và nhiều hệ lụy về vệ sinh môi trường...
Thực trạng đáng báo động
TP. Buôn Ma Thuột hiện có 7 lò mổ gia súc và 1 lò mổ gia cầm tập trung được cấp phép hoạt động. Việc quản lý, kiểm dịch tại đây được ngành Thú y thực hiện khá nghiêm ngặt, cơ bản bảo đảm ATVSTP cũng như vấn đề dịch bệnh. Mỗi tháng, tại các lò này giết mổ bình quân 550 con trâu, bò; 5.400 con heo; 50 con dê; 3.400 con gia cầm các loại. Tuy nhiên, theo ước tính thì số lượng này mới chỉ chiếm khoảng 40% so với tổng GSGC tiêu thụ mỗi tháng trên địa bàn thành phố, số còn lại phần lớn được giết mổ tại các hộ gia đình, điểm nhỏ lẻ.
Một điểm bán thịt bò tại chợ Ea Tam, phường Ea Tam. |
Dạo quanh các chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, rất dễ gặp những điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ. Mỗi điểm thường có 1 nồi nước sôi để dùng chung cả ngày cho hàng trăm con gà, vịt. Xung quanh khu vực nhốt gia cầm, phân và nước thải của gia cầm lênh láng, bốc mùi hôi thối. Các loại chậu, nồi... bám đầy lông gà, lông vịt ngổn ngang. Điểm giết mổ gia cầm của chị Trần Thị T. ở chợ Ea Tam mỗi ngày giết mổ trên 40 con gà, vịt các loại. Chị T. cho biết, chị mua gà về để bán và thịt cho khách. Ngoài ra, chị cũng nhận làm thịt thuê cho khách mang đến với giá 10 nghìn đồng/1 con. Nhiều người còn đưa cả gia cầm mắc bệnh, chết đến thuê làm thịt...
Trên đường Trần Cao Vân (ngay phía ngoài cổng chợ Phan Chu Trinh), cứ đến 4 giờ sáng, có một điểm giết mổ heo bắt đầu hoạt động. Chủ cơ sở này cho hay, mỗi ngày gia đình anh thường giết thịt khoảng 2-3 con heo để bán. Trước đây anh phải đưa heo vào lò mổ tập trung giết thịt để được đóng dấu kiểm dịch. Nhưng khoảng 3 năm nay anh giết thịt tại nhà vì nếu đưa đến lò mổ tập trung vừa tốn kém, xa nhà, trong khi đó, thịt bán ngoài chợ cũng chẳng ai đi kiểm tra, xử lý (?).
“Việc quản lý ATVSTP đối với thịt GSGC lâu nay vẫn còn đang thả nổi, chưa có tổ chức, cá nhân nào đi kiểm tra, xử lý. Sắp tới, Phòng sẽ tham mưu cho UBND thành phố giao trách nhiệm trực tiếp cho UBND các phường, xã trong việc quản lý, kiểm soát ATVSTP trên địa bàn”
Ông Phan Xuân Mạo, Phó Trưởng Phòng Kinh tế UBND TP. Buôn Ma Thuột
|
Theo ông Trần Cao Khải, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, phần lớn các hộ kinh doanh khi đưa GSGC vào lò mổ tập trung thường là GSGC khỏe mạnh, bởi nếu đưa vào loại nhiễm bệnh, chết thì sẽ bị xử phạt, tiêu hủy. Hiện nay, GSGC có dấu kiểm dịch thường bán tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố. Còn đối với những điểm giết mổ GSGC nhỏ lẻ rất khó có thể kiểm soát được chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất VSATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Thả nổi khâu kiểm soát
Ông Trần Cao Khải cho hay, trước đây, ngành Thú y tỉnh quản lý toàn bộ việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, giết mổ GSGC. Sau khi đóng dấu kiểm dịch tại các lò mổ tập trung, thịt GSGC bảo đảm an toàn sẽ cho lưu thông ra thị trường. Bên cạnh đó, ngành Thú y còn tiến hành phúc kiểm tại các chợ, nếu phát hiện thịt GSGC chưa được kiểm dịch sẽ tiến hành xử lý, xử phạt, thậm chí là tiêu hủy nếu phát hiện mầm dịch bệnh. Tuy nhiên, theo Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT, ngày 9-4-2014 của Bộ Y tế - Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương về hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm thì việc quản lý ATVSTP tại tất cả các chợ, siêu thị và cả những điểm giết mổ GSGC nhỏ lẻ khác lại thuộc ngành Công thương, Chi cục Thú y chỉ quản lý, kiểm tra ATVSTP tại các lò giết mổ tập trung, các chợ đầu mối và chợ đấu giá nông sản.
Một điểm bán gà và nhận giết mổ gia cầm tại chợ phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột). |
Trong khi đó, ông Ngô Văn Tượng, Trưởng Phòng Quản lý Công nghiệp - Sở Công thương nhìn nhận: Hiện nay ngành chỉ quản lý ATVSTP tại các siêu thị, song do lực lượng mỏng, phải làm nhiều việc khác nên khâu kiểm tra, xử lý sai phạm về ATVSTP tại các siêu thị cũng chỉ mỗi quý, thậm chí mỗi năm 1 lần, cấp giấy phép xong rồi để đó. Lâu nay ngành chưa xử lý trường hợp sai phạm nào.
Riêng đối với các chợ, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ra Quyết định số 06/2017/QĐ-UBND ngày 23-2-2017, ban hành Quy định phân cấp quản lý Nhà nước về ATVSTP thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công thương trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh giao cho UBND cấp huyện, trong đó có TP. Buôn Ma Thuột thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, kể cả trong chợ (trừ chợ đầu mối và chợ đấu giá nông sản) và buôn bán hàng rong.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc