Multimedia Đọc Báo in

Tuổi trẻ Ea Kar với phong trào lập thân, lập nghiệp

08:15, 21/11/2017

Trong những năm qua, các cấp bộ Đoàn huyện Ea Kar đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, đào tạo nghề, tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN).

Nhờ vậy, phong trào “Thi đua lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế gia đình” được đông đảo ĐVTN tích cực hưởng ứng và thực hiện bằng nhiều cách làm hay. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả của ĐVTN. Tiêu biểu như mô hình trồng cà phê xen hồ tiêu và chăn nuôi gia súc, gia cầm của anh Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Chi đoàn thôn Tứ Lộc, xã Cư Huê. Từ trồng hoa màu, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, sau khi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế, anh Hiếu đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi. Đến nay, khu vườn của gia đình anh đã có 500 trụ tiêu đang cho thu hoạch, cùng trang trại chăn nuôi với 30 con dê, 100 con thỏ, 500 con gà… mang lại lợi nhuận hơn 300 triệu đồng mỗi năm.

Đoàn viên, thanh niên tham quan mô hình trồng tiêu của anh Nguyễn Văn Hiếu (bìa phải), Bí thư Chi đoàn thôn Tứ Lộc, xã Cư Huê.
Đoàn viên, thanh niên tham quan mô hình trồng tiêu của anh Nguyễn Văn Hiếu (bìa phải), Bí thư Chi đoàn thôn Tứ Lộc, xã Cư Huê.

 

Đến nay, 100% các xã, thị trấn của huyện Ea Kar đã có nhiều hình thức hỗ trợ thanh niên xây dựng và phát triển kinh tế như: tổ hợp tác thanh niên, tổ tiết kiệm và vay vốn, các mô hình liên kết phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

 

Phong trào “Sáng tạo trẻ” và “4 mới” (kỹ thuật mới, ngành nghề mới, thị trường mới, mô hình mới) đã phát huy được những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh trong thanh niên nông thôn. Trong đó, mô hình tổ hợp tác cơ khí của ĐVTN thôn 9, xã Ea Đar là một điển hình. Đầu năm 2009, Đoàn xã Ea Đar triển khai chương trình xây dựng các câu lạc bộ, mô hình phát triển kinh tế cho ĐVTN địa phương. Được Ban Chấp hành Đoàn xã tư vấn, một số ĐVTN Chi đoàn thôn 9 đã bàn bạc cùng nhau vay tiền, góp vốn mở xưởng cơ khí để phục vụ nhu cầu của nhân dân trong xã. Ban đầu, tổ hợp tác sản xuất gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm sản xuất, thiếu vốn duy trì hoạt động… Vượt qua khó khăn ban đầu, sau 8 năm thành lập, đến nay tổ hợp tác sản xuất đã có hệ thống nhà xưởng rộng hơn 200 m2 và nhiều máy móc hiện đại trị giá gần 1 tỷ đồng. Mỗi năm, sau khi đã trừ chi phí, tổ sản xuất thu lãi hơn 200 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 5 lao động là thanh niên tại địa phương, với mức lương 6 triệu đồng/tháng.

Chị H’Nan Byă, Bí thư Huyện Đoàn cho biết: “Huyện Ea Kar hiện có 65 mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu trong ĐVTN và hơn 400 gương thanh niên làm kinh tế giỏi. Trong đó, nhiều mô hình được đầu tư quy mô, bài bản, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt như mô hình nuôi gà siêu trứng của anh Vũ Văn Tân (xã Ea Tyh), mô hình trồng cam, quýt, bưởi của anh Hoàng Văn Cảnh (xã Cư Elang)… đã được Huyện Đoàn tuyên dương là mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu trong ĐVTN. Có thể nói, thi đua lập thân lập nghiệp, phát triển kinh tế gia đình của ĐVTN huyện Ea Kar đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, tạo chuyển biến sâu sắc đến ý thức vươn lên làm giàu chính đáng trong thanh niên, góp phần xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp”.

Hoàng Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.