Hoạt động tình nguyện: Hướng tới sự bền vững
Phát huy truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc, hoạt động tình nguyện không chỉ được duy trì thường xuyên mà còn hướng tới sự chuyên nghiệp, bền vững.
Trên địa bàn tỉnh hiện có khá đông tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thiện nguyện thông qua các Câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm…, hình thức hoạt động gây quỹ và hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn cũng rất đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, địa phương. Đơn cử như CLB Ghi ta Krông Bông với chương trình tặng xe đạp cho học sinh tiểu học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trước thực trạng nhiều em có nguy cơ bỏ học vì phải đi bộ cả chục cây số đến trường mỗi ngày, các thành viên CLB đã đi tìm gom những chiếc xe đạp cũ mà gia đình, bạn bè... không dùng đến nữa đem về sửa chữa để tặng lại cho các em.
Hay như chương trình thiện nguyện “Dĩa cơm trên tường Buôn Ma Thuột” được khởi xướng từ những người làm trong ngành Y cũng tạo được hiệu ứng tích cực. Sau khi thành lập, mỗi tháng Ban chủ nhiệm CLB lại tổ chức một chương trình ca nhạc gây quỹ. Số tiền gây quỹ này dùng để mang đến cho những bệnh nhân nghèo một suất cơm đầy đủ chất dinh dưỡng trị giá 20 nghìn đồng/suất. Đến nay, sau 16 tháng thực hiện, chương trình đã đưa 9.200 suất ăn/tháng đến hàng nghìn bệnh nhân nghèo ở 9 bệnh viện trên địa bàn tỉnh, tương đương với 180 triệu đồng/tháng. Vừa qua, chương trình ca nhạc gây quỹ đầu tiên năm 2018 của nhóm thực hiện đã thu được gần 100 triệu đồng.
Chương trình hiến máu tình nguyện "Giọt hồng Tây Nguyên 2017" tại Đắk Lắk thu hút rất nhiều người tham gia. |
Bên cạnh việc thực hiện các hoạt động mang tính chất “đến hẹn lại lên”, giúp đỡ nhỏ lẻ những hoàn cảnh khó khăn, các đơn vị, CLB, đội, nhóm... đã có những chiến dịch “dài hơi”, mang đến hiệu quả lâu dài về an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, giáo dục... Đó là những dấu hiệu đáng mừng trong công tác tình nguyện.
“Mạng lưới tình nguyện khu vực Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng hoạt động rất hiệu quả, ngày càng có chiều sâu. Không chỉ người nghèo mà mọi đối tượng yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người đồng tính… đều được quan tâm, tạo điều kiện để vươn lên trong cuộc sống”.
Anh Lê Hồng Hạnh – Chủ nhiệm Mạng lưới tình nguyện khu vực Tây Nguyên
|
“Hành trình đỏ” là một chương trình thiện nguyện như vậy, thu hút được nhiều người tham gia cả về chất lượng và số lượng. Riêng năm 2017, trong chương trình “Giọt hồng Tây Nguyên” toàn tỉnh có hơn 3.000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn huyện Ea Kar, TP. Buôn Ma Thuột tham gia hiến máu và thu được 2.858 đơn vị máu. Sự chuyên nghiệp của chương trình, sự kết nối của những trái tim đã giúp “Hành trình đỏ” có thể thực hiện thường niên hằng năm. Đồng thời, nó ý nghĩa quan trọng trong việc cứu chữa kịp thời cho các bệnh nhân khi có một “ngân hàng máu sống” luôn được duy trì.
Trước thực trạng còn có những phụ nữ dân tộc thiểu số ở các buôn làng bị thất học, mù chữ do hoàn cảnh khó khăn, Huyện Đoàn Krông Ana đã phối hợp với các CLB tình nguyện trên địa bàn kêu gọi các thầy, cô giáo có tấm lòng nhân ái dạy chữ miễn phí cho các chị em vào buổi tối cuối tuần; thời gian từ 7 đến 9 giờ tối tại nhà văn hóa cộng đồng buôn mỗi dịp hè về. Tại các buổi học, thầy cô cũng thường xuyên tổ chức xen kẽ những trò chơi thú vị như: thi hát, kể chuyện, đố vui… lồng ghép tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước… Một công đôi việc, chương trình đã thật sự mang lại hiệu quả thiết thực với chị em phụ nữ.
Buổi gặp mặt và kết nối hoạt động của các đơn vị tình nguyện tại Tây Nguyên. |
Ngoài các hoạt động trên thì còn rất nhiều những chương trình tình nguyện có sức lan tỏa và bền vững khác. Những con người có trái tim thiện nguyện đã kết nối lại với nhau, chung tay tạo nên một xã hội tốt đẹp, mang lại yêu thương cho những hoàn cảnh khó khăn.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc