Buổi xem phim đặc biệt
Xem phim trên truyền hình hay chiếu rạp là một nhu cầu giải trí rất đỗi bình thường của nhiều trẻ em. Nhưng với trẻ khuyết tật thì đó là một sự khao khát, là niềm vui khó tả, mỗi em có cách xem và cảm nhận bộ phim rất riêng.
Nhân kỷ niệm 38 năm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18-4), Trung tâm Hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật (TTGDTKT) phối hợp với Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh (TTPHP) tổ chức chiếu phim cho gần 200 trẻ khuyết tật đang theo học tại Trung tâm. Đây cũng là đầu tiên các em được xem phim tập trung.
Hiện tại TTGDTKT có 173 học sinh chuyên biệt, trong đó có cả các em bị khiếm thính, các em chậm phát triển trí tuệ và tự kỷ… nên khi xem phim, mỗi em sẽ có cách cảm nhận và hiểu bộ phim khác nhau. Đại đa số, các em hiểu về mặt hình ảnh, các cử chỉ do nhân vật thể hiện trong phim.
Bộ phim mà TTPHP mang đến cho các em có tựa đề “Chú bé rừng xanh”, kể về cuộc hành trình của chú bé Mowgli từ nhỏ sống trong rừng, với nhiều nhân vật là “chú” hổ hung dữ, “bác” gấu hiền lành, “cô” trăn độc ác, “bạn” heo đáng yêu… Hình ảnh sống động trong phim thu hút các em ngồi xem chăm chú. Đặc biệt đến đoạn Mowgli dùng sự khéo léo của mình để trèo lên đỉnh núi cao lấy mật cho bác gấu, tất cả các em thích thú, cười ồ lên vui vẻ, thể hiện sự ngưỡng mộ với nhân vật bằng những cái quơ tay, khuôn mặt đầy cảm xúc. Những trẻ ở độ tuổi lớn hơn thì nhìn nhau và cùng chia sẻ về bộ phim bằng những ký hiệu riêng rất đáng yêu.
Niềm vui của trẻ khuyết tật khi được xem phim màn ảnh rộng. |
Anh Phạm Hữu Quân (Đội trưởng đội chiếu bóng số 2 TTPHP) tâm sự: “Đây là lần đầu tiên tôi chiếu một suất phim đặc biệt như vậy, những khán giả nhí ngồi xem chăm chú khiến tôi không khỏi xúc động. Trong thời gian tới, TTPHP sẽ phối hợp chặt chẽ với TTGDTKT để mang đến nhiều buổi chiếu hơn nữa cho các em”.
Nhìn các học trò không may mắn của mình hào hứng, vui sướng khi xem phim, các cô giáo còn hạnh phúc hơn gấp bội. Cô Phan Thị Cúc (giáo viên lớp tự kỷ) chia sẻ, vì các em có khiếm khuyết về thể chất, tinh thần, nên đôi khi tính cách có những điểm khác biệt so với các bạn cùng trang lứa. Việc được xem phim là cơ hội cho trẻ được sinh hoạt ngoại khóa lành mạnh, hỗ trợ kỹ năng như giao tiếp, giúp trẻ tự tin, có thể vui chơi hòa nhập với cộng đồng… Thông thường, sau giờ ăn tối các em sẽ có 30 phút để xem truyền hình. Tuy nhiên, trên truyền hình vào khung giờ này rất ít bộ phim có nội dung phù hợp với trẻ, thế nên việc được xem tập trung trước “màn ảnh rộng” thực sự là một trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn mang lại cho các em nhiều cảm xúc.
Học sinh TTGDTKT tập trung xem phim. |
Cô Phan Thị Lệ (Trưởng phòng Giáo dục can thiệp sớm) cho biết: “Khi được xem phim các em có thể nhớ được hình ảnh, nên sau khi xem xong cô giáo hỏi lại, trẻ vẫn nhớ được chi tiết, thậm chí là kể được câu chuyện”. Cô Lệ cũng khẳng định được xem phim với những nội dung lành mạnh trong khoảng thời gian phù hợp sẽ kích thích phát triển trí tuệ, sự giao tiếp của trẻ khuyết tật, giúp các em có thể vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, hoạt động này còn tạo sự vui vẻ, gắn kết giữa trẻ và thầy cô.
Trong buổi chiếu phim, dù một cô phải giữ hoặc ôm trong lòng từ 2 - 3 trẻ, phải vất vả trông kỹ hơn ngày thường, nhưng ai cũng vui. Chỉ cần thấy các cháu cười lên vì vui vẻ hạnh phúc là mọi mệt mỏi của các cô đều tan biến, chỉ mong sao TTPHP và các đơn vị hỗ trợ nhiều hơn nữa các hoạt động vui chơi bổ ích cho trẻ.
Ngoài các hoạt động vui chơi, giải trí thường xuyên ở trường như đá bóng, chơi cờ, học âm nhạc… TTGDTKT cũng thường xuyên liên hệ và phối hợp với các tổ chức thiện nguyện, các mạnh thường quân, những đơn vị kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh tổ chức cho trẻ khuyết tật ở đây có cơ hội tham gia các chương trình giải trí lành mạnh, mới lạ giúp các em phát triển trí não và hòa nhập với cộng đồng. |
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc