Multimedia Đọc Báo in

Lan tỏa mô hình "3 sạch" trong cộng đồng

08:55, 07/05/2018

Nhân rộng mô hình “3 sạch” phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù của từng địa phương là cách mà hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đang thực hiện góp phần hiệu quả vào công tác bảo vệ môi trường, chung tay cùng cộng đồng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Cứ đến ngày 15 hằng tháng, không ai bảo ai, chị em phụ nữ ở buôn Jang Lành, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn đều tập hợp tham gia quét dọn, vệ sinh trên con đường chính dẫn vào buôn. Với đặc thù địa phương có trên 95% dân số là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức chưa cao, do đó để phong trào vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đi vào thực chất, Hội Phụ nữ xã Krông Na đã phân công cán bộ thường xuyên xuống tận nơi để tuyên truyền, hướng dẫn theo cách “cầm tay, chỉ việc”, cung cấp kiến thức, phương pháp để thực hiện sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ hiệu quả.

Chị H’Trâm Hđơk, hội viên phụ nữ tại buôn cho hay: Từ khi có cuộc vận động xây dựng mô hình “Gia đình 5 không, 3 sạch”, đến nay chị em ai cũng hào hứng tham gia. Mỗi người góp một phần công sức của mình để làm cho đường làng, ngõ xóm được sạch sẽ, khang trang. Hiện nay, buôn đã sạch đẹp hơn nhiều so với trước, không còn tình trạng xả rác bừa bãi ra đường, các gia đình cũng biết giữ gìn nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp và thường xuyên dọn vệ sinh quanh khu vực nhà ở, không nuôi gia súc dưới sàn nhà.

Hội viên phụ nữ buôn Jang Lành (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) dọn vệ sinh trên tuyến đường chính  dẫn vào buôn.
Hội viên phụ nữ buôn Jang Lành (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) dọn vệ sinh trên tuyến đường chính dẫn vào buôn.

Tại huyện Cư M’gar, để thực hiện tiêu chí “3 sạch”, nâng cao ý thức về công tác bảo vệ môi trường cho người dân thì ngoài tổ chức ra quân thu gom rác thải, nạo vét kênh mương, phát quang bụi rậm, Hội LHPN huyện còn phát động các chi hội đảm nhận thực hiện tuyến đường tự quản. Hiện nay, toàn huyện có hơn 100 đoạn đường phụ nữ tự quản, định kỳ mỗi tháng, hội viên, phụ nữ các chi hội đều tổ chức quét dọn, vệ sinh sạch sẽ tuyến đường phụ trách. Việc làm này đã trở thành thường xuyên, nền nếp trong các chi hội; các gia đình cũng tự ý thức không thả gia súc ra đường. Không chỉ “sạch”, một số chi hội còn xây dựng đoạn đường hoa, góp phần làm đẹp cảnh quan đường nông thôn. Đơn cử tại xã Ea Mnang, hiện nay trên tuyến đường dọc thôn 2B những bụi cây, bụi cỏ mọc hoang dại hai bên đã được thay thế bằng những khóm hoa mới trồng xinh xắn. Theo chị Phạm Thị Ngọc Trang, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, để xây dựng được đoạn đường này, cán bộ hội đã trực tiếp vận động, cùng hội viên, nhân dân tổ chức trồng cây, hướng dẫn chị em lựa chọn giống hoa có sức sống tốt, thích nghi với môi trường, thời tiết để hoa nở quanh năm phù hợp với cảnh quan ven đường như: hoa mười giờ, cây cỏ lạc, hoa chiều tím, hoa cúc cánh bướm… Hoạt động đi vào nền nếp, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của chị em và nhân dân đã được nâng lên rõ rệt, tình trạng vứt rác bừa bãi giảm hẳn, bộ mặt của thôn ngày càng trở nên xanh, sạch, đẹp.

Triển khai thực hiện chủ đề công tác năm 2018 “Phụ nữ đồng hành với thực phẩm an toàn”, mới đây, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tập huấn an toàn thực phẩm (ATTP) cho cán bộ Hội và các tập thể, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh, buôn bán thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Thông qua việc hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; các mối nguy ATTP; điều kiện, phương pháp đảm bảo ATTP đối với cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm... các cơ sở có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm và chịu trách nhiệm về thực phẩm do mình sản xuất, chế biến và kinh doanh, buôn bán. Đây là một trong những hoạt động thiết thực của Hội nhằm từng bước giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, giúp hội viên phụ nữ thực hiện tiêu chí “sử dụng thực phẩm sạch”.

Cán bộ, hội viên phụ nữ tỉnh ký cam kết hưởng ứng đồng hành với thực phẩm an toàn.
Cán bộ, hội viên phụ nữ tỉnh ký cam kết hưởng ứng đồng hành với thực phẩm an toàn.

Những năm qua, nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã đẩy mạnh cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với thực hiện phong trào “Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đối với tiêu chí “3 sạch”, vào các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước, Hội Phụ nữ các cấp đều ra quân vận động hội viên phụ nữ và nhân dân dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm.

Bên cạnh đó, Hội còn chủ động đăng ký với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cùng cấp đảm nhận nhiệm vụ, phần việc cụ thể, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả để tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng. Riêng năm 2017, các cấp Hội trong tỉnh xây dựng mới được 108 “con đường hoa”, thành lập mới 215 “con đường phụ nữ tự quản”, nhân rộng mô hình “buôn tôi xanh, sạch, đẹp” tại 6 buôn đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ xây dựng 308 công trình nhà tắm, nhà tiêu kiên cố cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, tặng 650 làn đi chợ góp phần hạn chế sử dụng túi nilon…

Từ những kết quả đạt được có thể thấy phong trào “3 sạch” đã thực sự đem lại hiệu quả và đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, giúp chị em nhận thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm, quyền bình đẳng của phụ nữ trong gia đình, xã hội, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Giai đoạn 2017-2022, Hội LHPN tỉnh đã cụ thể tiêu chí “3 sạch” tại địa phương thành: nhà sạch, đường sạch, sử dụng thực phẩm sạch. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 225.000 hộ gia đình hội viên thực hiện đạt tiêu chí “3 sạch”, đạt tỷ lệ trên 75%.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.