Nông dân huyện Krông Búk thi đua làm theo lời Bác
Thực hiện lời dạy của Bác: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu”, những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Krông Búk đã tích cực triển khai nhiều hoạt động gắn với phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Dám nghĩ dám làm
Gia đình chị Phạm Thị Phúc ở thôn 2, xã Tân Lập là một điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế. Năm 2005, gia đình chị từ quê huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An vào Đắk Lắk lập nghiệp. Anh chị dành dụm mua 9 sào đất trồng cà phê, nhưng do không có vốn đầu tư nên năng suất cây trồng thấp, kinh tế gia đình khó khăn. Năm 2011, nhờ HND xã Tân Lập tín chấp, chị được mua phân bón trả chậm và vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư trồng thêm tiêu, bơ, sầu riêng xen trong vườn cà phê. Bên cạnh đó, vợ chồng chị tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức. Nhờ có vốn đầu tư, học được kỹ thuật chăm sóc cây trồng nên năng suất vườn cà phê tăng gấp đôi (đạt 4 tấn nhân/năm). Năm 2013 gia đình chị thoát nghèo.
Năm 2015, chị Phúc tiếp tục mua thêm 7 sào đất cạnh nhà để đầu tư hệ thống dàn lưới làm vườn ươm cây giống để cung ứng cho nhu cầu của người dân trong vùng. Đến nay, bình quân mỗi năm chị Phúc thu hoạch được 1,5 tấn tiêu, 7 tấn sầu riêng, 4 tấn cà phê, 10 tấn bơ; và mỗi tháng cung ứng ra thị trường trên 3.000 cây giống các loại từ vườn ươm. Ngoài ra chị còn tạo công ăn việc làm thời vụ cho khoảng 20 lao động tại địa phương với mức lương trên 5 triệu đồng/tháng.
Ông Dương Ngọc Hanh ở thôn 1, xã Ea Ngai (đứng giữa) giới thiệu về mô hình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn FLO của gia đình. |
Trước đây gia đình ông Dương Ngọc Hanh ở thôn 1, xã Ea Ngai cũng là hộ có hoàn cảnh khó khăn, kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào cà phê già cỗi. Năm 2005, ông được HND xã Ea Ngai hỗ trợ cho vay 5 triệu đồng không tính lãi để đầu tư vườn cây. Nhờ nguồn vốn này, cộng với chịu khó học hỏi kinh nghiệm sản xuất, sau 4 năm, gia đình ông Hanh đã thoát nghèo và có tiền mua thêm rẫy để canh tác. Được sự giới thiệu của HND xã, năm 2014, ông Hanh tham gia liên kết sản xuất 1,5 ha cà phê nhà mình với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Ea Ngai để sản xuất theo tiêu chuẩn FLO (do hợp tác xã hợp đồng thỏa thuận với Công ty TNHH Dak Man tại TP. Buôn Ma Thuột).
Ông Hanh được đánh giá là hội viên nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình và tích cực, gương mẫu tham gia công tác hội, là tấm gương sáng để các hội viên, nông dân khác noi theo về nghị lực vượt khó vươn lên trong phát triển kinh tế.
Phát huy vai trò của tổ chức Hội
Bà Cao Thị Thúy Nga, Chủ tịch HND huyện Krông Búk cho biết, HND huyện Krông Búk có 9.643 hội viên. Những năm qua, Hội đã phát động các phong trào thi đua gắn với học tập và làm theo lời Bác như: nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; nông dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc… Bên cạnh đó, Hội cũng đã tích cực đổi mới phương thức hoạt động, thực hiện tốt việc tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ vốn cho nông dân. Nhờ đó, tạo sự lan tỏa, khích lệ hàng nghìn hộ nông dân phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Chị Phạm Thị Phúc ở thôn 2, xã Tân Lập (đứng giữa) đang bán giống cây trồng cho người dân. |
Thực hiện lời dạy của Bác: “Nói đi đôi với làm”, HND huyện đã thường xuyên phối hợp với trạm khuyến nông và ngành chức năng địa phương mỗi năm tổ chức từ 15 - 20 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên. Các cấp Hội còn chủ động liên kết, phối hợp với các công ty phân bón cung ứng hàng trăm tấn phân bón trả chậm/năm (từ đầu năm đến nay cung ứng được tổng số 245 tấn phân bón trả chậm), đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất cho người dân. Ngoài ra, Hội còn làm tốt vai trò cầu nối giữa các ngân hàng với hội viên, tạo điều kiện để bà con tiếp cận được nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất… Hằng năm, các cấp Hội còn huy động đóng góp quỹ tiết kiệm để tạo điều kiện cho các gia đình hội viên khó khăn vay vốn sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo (đã huy động được khoảng trên 650 triệu đồng).
Theo bà Nga, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, làm giàu chính đáng được các cấp Hội hưởng ứng. Đến nay, toàn huyện có 7.200 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động nông thôn, trong đó có trên 300 lao động có việc làm thường xuyên, gần 700 lao động có việc làm theo mùa vụ; giúp đỡ vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 500 lượt hộ nông dân.
Những việc làm thiết thực của HND huyện Krông Búk tạo được sự lan tỏa, giúp hội viên, nông dân thêm gắn bó, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Toàn huyện có 7.200 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động nông thôn, trong đó có trên 300 lao động có việc làm thường xuyên, gần 700 lao động có việc làm theo mùa vụ; giúp đỡ vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 500 lượt hộ nông dân. |
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc