Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ trẻ em trước tác động của công nghệ số

09:23, 01/06/2018

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo cơ hội cho trẻ em được khai thác, tiếp cận thông tin, tri thức đa dạng, phong phú nhưng cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy gây ảnh hưởng đến sự phát triển, an toàn của trẻ. Bảo vệ trẻ em trước tác động của công nghệ số đã và đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam về tình hình trẻ em thế giới 2017 với chủ đề “Trẻ em trong thế giới công nghệ số”, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có số người sử dụng Internet cao nhất châu Á. Mạng xã hội được phổ biến rộng rãi với 64 triệu người có tài khoản facebook, trong đó phần đông là trẻ em và thanh thiếu niên. Đa số trẻ em Việt Nam thiếu kiến thức về công nghệ số; từ 8 - 29% trẻ em và vị thành niên sử dụng facebook bị mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung.

Rõ ràng, bên cạnh những tiện ích mang lại thì việc trẻ em sử dụng Internet và mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các em có nguy cơ tiếp cận với những ấn phẩm không lành mạnh, bị cuốn hút vào các trò chơi điện tử gây xao nhãng việc học hành, bị dụ dỗ, xâm hại…

 Trẻ em  hào hứng tham gia  lớp dạy  kỹ năng phòng chống  xâm hại  tình dục  do Nhà  Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh  tổ chức trong  dịp hè.
Trẻ em hào hứng tham gia lớp dạy kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục do Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức trong dịp hè.

Khoảng 1 năm nay, gia đình chị N.T.H. ở phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) mất ăn mất ngủ vì con trai út là P.B.A. nghiện trò chơi điện tử, kết quả học hành sa sút. B.A. vốn là một cậu bé ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành nhưng từ khi bạn bè rủ rê, tụ tập ở các quán Internet để chơi game, dần dần em đã “nghiện”, thường xuyên trốn học để đi chơi. Chị H. cho hay, nuôi 3 đứa con ăn học cũng chật vật nên vợ chồng chị mải mê công việc, tin tưởng con ngoan ngoãn nên mỗi lần cháu xin tiền để học thêm chị đều cho, nhưng nào ngờ...

Hay như một ví dụ khác về hệ lụy của mạng xã hội mang lại: Sau một thời gian làm quen, nhắn tin trò chuyện qua mạng xã hội facebook, tháng 6-2014, V.H.T. (SN 1996) đã hẹn gặp mặt, rủ cháu N.T.M.M. (SN 2001, học sinh lớp 7) trú phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột đi chơi. Sau đó, T. đã 2 lần giao cấu với cháu M. rồi rủ cháu bỏ nhà đi. Bố mẹ cháu M. đã làm đơn tố cáo hành vi phạm tội của T. Mới đây, TAND tỉnh đã tuyên phạt V.H.T. 15 năm tù vì tội hiếp dâm trẻ em.

Bảo đảm môi trường an toàn cho trẻ em

Thời gian qua, vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được các cấp, ngành, địa phương tỉnh ta đặc biệt quan tâm. Theo ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, nhiều học sinh sớm tiếp cận với Internet nhưng chưa thực sự hiểu rõ những nguy hại trên môi trường mạng. Để giúp các em nâng cao khả năng tự phòng vệ, Sở đã chỉ đạo các trường chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan và phụ huynh đẩy mạnh công tác giáo dục, phổ biến pháp luật, tuyên truyền về lợi ích cũng như tác hại của việc sử dụng Internet và mạng xã hội; tăng cường tổ chức hoạt động ngoại khóa, hướng dẫn kỹ năng sống, kỹ năng tìm kiếm thông tin trên Internet cho học sinh. Đồng thời, Sở cũng chỉ đạo các trường bàn giao học sinh về địa phương sinh hoạt hè, phối hợp tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, các hoạt động từ thiện xã hội và tổ chức dạy bơi cho các em…

Trẻ em học bơi tại hồ bơi Quý Sơn, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc.
Trẻ em học bơi tại hồ bơi Quý Sơn, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc.

Với chức năng nhiệm vụ của mình, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, bảo đảm quyền trẻ em, bảo vệ để trẻ không bị xâm hại trong thế giới công nghệ số. Theo đó, các cấp, ngành đã chú trọng giáo dục kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số an toàn, lành mạnh, kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; thực hiện “Mùa hè an toàn cho trẻ em”. Nhà trường, gia đình, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể đã phối hợp trong việc quản lý, giám sát, hướng dẫn trẻ em vui chơi an toàn, lành mạnh…

Ông Nguyễn Duy Tuyết, Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng: Bảo vệ trẻ em trong thế giới công nghệ số không có nghĩa là kiểm soát nhiều hơn hoặc cấm các em sử dụng Internet, mạng xã hội mà là bảo vệ sự an toàn của các em. Muốn làm được điều đó, chính quyền, các cơ quan, đơn vị liên quan cũng như gia đình, nhà trường và cả cộng đồng xã hội phải cùng vào cuộc, có giải pháp để tạo môi trường mạng an toàn cho trẻ; gần gũi, định hướng để trẻ sử dụng Internet phục vụ cho việc học tập, vui chơi, giải trí lành mạnh, bổ ích.

Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-7-2017 đã quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo đó, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin, bí mật đời sống riêng tư của trẻ trên môi trường mạng, có biện pháp sử dụng dịch vụ bảo vệ người dùng là trẻ em…

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.