Kết quả bước đầu trong đào tạo nghề ở TP. Buôn Ma Thuột
Những năm qua, công tác đào tạo nghề trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã từng bước đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề cho nhiều lao động, giúp họ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Gắn đào tạo với nhu cầu thực tế
Theo ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Buôn Ma Thuột, thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nói chung, lao động nông thôn nói riêng, những năm qua, thành phố đã triển khai nhiều mô hình đào tạo nghề gắn với hiệu quả việc làm như nghề may công nghiệp, xây dựng dân dụng, điện dân dụng, chăn nuôi thú y, chăn nuôi dê, bò… Do việc đào tạo được gắn với nhu cầu thực tế của người học nên sau khi học xong lớp đào tạo nghề, đa số học viên đều có việc làm, thu nhập ổn định.
Lao động làm bếp tại Khu du lịch sinh thái cộng đồng Ko Tam. |
Trước đây, công việc chủ yếu của chị H’Sinh Êban (buôn Ky, phường Thành Nhất) là đi nhặt rác ở bãi rác xã Cư Êbur, khi có thông tin bãi rác chuẩn bị đóng cửa và Phòng Lao động – Thương bình và Xã hội thành phố phối hợp tổ chức lớp dạy nghề chăn nuôi trâu, bò chị liền đăng ký học. Sau hai tháng được truyền đạt những kiến thức cơ bản về chăn nuôi trâu, bò và đi tham quan các trang trại chăn nuôi bò lớn trên địa bàn thành phố, chị H’Sinh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư kinh phí mua 2 con bò sinh sản về nuôi để phát triển kinh tế gia đình.
Hay như với việc mở các lớp dạy may công nghiệp (chủ yếu ở các xã Hòa Phú, Hòa Khánh, Ea Kao…), sau khi học nghề, hầu hết học viên đều xin vào làm công nhân may trong các công ty, khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh.
Được biết, hầu hết các học viên học nghề là dân tộc thiểu số; trung bình mỗi năm, Phòng Lao động – Thương bình và Xã hội thành phố mở từ 4 đến 6 lớp dạy nghề cho khoảng 150 -200 học viên tại các xã, phường. Ngoài các chế độ, chính sách hỗ trợ cho học viên theo quy định, UBND thành phố đã có cơ chế hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương cho học viên thuộc đối tượng gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự… nhằm động viên, khuyến khích họ đăng ký tham gia học nghề, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Qua đó, hiệu quả đào tạo nghề đã từng bước được nâng lên; người lao động ý thức được việc học nghề là yếu tố cơ bản để tìm kiếm việc làm lâu dài cũng như được tiếp cận với những kiến thức mới trong lĩnh vực theo học.
Vẫn còn nhiều trở ngại
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, góp phần đáng kể trong việc xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, song công tác đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Trước hết phải nói đến vướng mắc về việc phần lớn học viên là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc chấp hành các quy định như giờ giấc học không bảo đảm hay khi đào tạo nghề xong thì do tập quán nên nhiều lao động không muốn đi làm xa nhà. Bên cạnh đó, do kinh phí của một lớp đào tạo nghề còn thấp so với số lượng học viên nên không tránh khỏi tình trạng có một số nghề "học chay", thiếu thực tế, không được thực hành nhiều cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều học viên sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo nghề mà tay nghề vẫn không đạt yêu cầu. Điều này cũng khiến nhiều người không mặn mà khi tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn theo đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Chị H’Sinh Êban (bên trái) chăm sóc hai con bò của gia đình. |
Một rào cản nữa là hiện nay qua khảo sát có rất nhiều học viên muốn học các nghề đang là nhu cầu thực tế như: nghề pha chế, làm bánh, kỹ năng giúp việc nhà… nhưng do thiếu kinh phí nên hầu như không có đơn vị dạy nghề nào đứng ra đào tạo các ngành nghề này. Ông Nguyễn Tiến Cường cho biết: “Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố đã liên hệ với một số cơ sở đào tạo nghề về việc mở lớp nhưng chưa có đơn vị nào trả lời về vấn đề này. Trong khi đó, nếu mở được các lớp đào tạo nghề này là việc làm rất sát thực, nhất là nghề giúp việc nhà bởi từ đó sẽ tạo tiền đề để học viên có thể tiến tới việc xuất khẩu lao động, tạo công việc ổn định và cho thu nhập khá cao”.
Công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động còn gặp nhiều trở ngại khác như đầu ra sau khi đào tạo nghề, nguồn vốn để bắt tay vào sản xuất - chăn nuôi, hay số lượng lớp đào tạo nghề còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân…Do đó, rất cần có thêm những chính sách hỗ trợ, đầu tư kinh phí, công tác tư vấn để đảm bảo người lao động có việc làm sau khi học nghề; gắn đào tạo nghề với hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn; mở rộng quy mô và hình thức dạy nghề…
TP. Buôn Ma Thuột hiện có 8 trường có chức năng đào tạo nghề và 9 cơ sở đào tạo nghề. Theo kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn của thành phố, đến năm 2020 đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng cho trên 18.000 lao động (dạy nghề cho 4.500 lao động nông thôn ); sau đào tạo có từ 80% số người học có việc làm. |
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc