Multimedia Đọc Báo in

Tạo động lực giúp phụ nữ vùng sâu vươn lên

09:15, 16/07/2018

Hỗ trợ vốn, giới thiệu việc làm, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, giới thiệu mô hình kinh tế mới… là những hoạt động thiết thực của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ea Ô, huyện Ea Kar nhằm tạo thêm động lực giúp hội viên vươn lên.

Không có nhiều rẫy nương nên từ khi lập gia đình, chị Dương Thị Đạo ở thôn 8 mở một quán cà phê để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, do thiếu vốn mở rộng quy mô của quán nên lượng khách ít, số tiền thu được chẳng được là bao. Sau khi xem xét, cuối năm 2016, Hội LHPN xã đã cho chị Đạo vay 15 triệu đồng từ quỹ Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, gia đình còn vay mượn thêm để sửa sang, nâng cấp, mở rộng quán kinh doanh cà phê sạch gắn với an toàn thực phẩm. Nhờ vậy, trung bình mỗi tháng sau khi trừ chi phí, gia đình chị cũng có thu nhập từ 5-6 triệu đồng. Chị Đạo cho hay: “Nếu không có số vốn của Hội LHPN xã cho vay chắc vợ chồng mình chưa có động lực để mạnh dạn đầu tư làm ăn. Lợi nhuận thu được mình dành dụm trả nợ dần cho ngân hàng và hoàn trả vốn vay của Hội khi đến hạn để chuyển cho hội viên khó khăn khác vay”.

Cán bộ Hội LHPN xã Ea Ô thăm mô hình trồng quýt của gia đình chị Nguyễn Thị Duyên ở thôn 7B.
Cán bộ Hội LHPN xã Ea Ô thăm mô hình trồng quýt của gia đình chị Nguyễn Thị Duyên ở thôn 7B.

 Tương tự, sau khi được tham quan các mô hình kinh tế do Hội LHPN xã tổ chức, năm 2012, chị Nguyễn Thị Duyên ở thôn 7B đã bàn bạc với chồng đầu tư vốn mua 1 ha đất trồng thử nghiệm 400 cây quýt đường. Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc quýt đường của các hộ có kinh nghiệm trong vùng nên sau 3 năm vườn quýt của gia đình chị Duyên đã cho thu bói. Đến nay, mỗi năm vườn quýt đạt sản lượng trên 20 tấn, đem lại nguồn thu từ 200-250 triệu đồng tùy theo giá cả thị trường. Nhận thấy cây quýt đường thích hợp với vùng đất này, đầu ra khá ổn định, năm 2018, vợ chồng chị Duyên đã trồng thêm 400 cây nữa. Mô hình trồng quýt của gia đình chị Duyên đã được nhiều hộ trong xã tham quan, học tập và nhân rộng.

 
“Thông qua các hình thức hỗ trợ thiết thực của Hội LHPN xã, hội viên phụ nữ đã có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đến nay, toàn xã chỉ còn 73 hộ nghèo và 49 hộ cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ trong tổng số gần 2.400 hội viên, góp phần đáng kể trong việc thực hiện tiêu chí giảm nghèo và thu nhập để hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương”. 
 
 Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ô Vũ Thị Sen

Chị Đạo, chị Duyên chỉ là hai trong số nhiều hội viên phụ nữ nhận được sự trợ lực của Hội LHPN xã để vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Theo chị Nguyễn Thị Sinh, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Ô, để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, ngoài nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, Ban Chấp hành Hội LHPN xã đã chú trọng huy động nội lực trong hội viên. Cách làm này một mặt giúp chị em thực hành tiết kiệm, qua đó giúp được nhiều trường hợp khó khăn, đồng thời để chị em có thêm phần trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Theo đó, thực hiện sự chỉ đạo của Hội LHPN huyện Ea Kar về việc vận động hội viên phụ nữ xây dựng “Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế cấp tỉnh giai đoạn 2017-2020”, Hội LHPN xã đã xây dựng kế hoạch triển khai đến 21 chi hội, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên đóng góp 2.000 đồng/người/năm. Nhờ vậy, ngoài số tiền hơn 3,3 triệu đồng đóng về Quỹ của Hội LHPN huyện, Hội LHPN xã cũng đã huy động được 20 triệu đồng cho 2 hội viên ở thôn 1A và 1B vay chăn nuôi gà. Bên cạnh đó, hưởng ứng phong trào hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, năm 2017, Hội LHPN xã đã vận động cán bộ, hội viên đóng góp 10.000 đồng/người/năm để gây Quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh; xây dựng, duy trì 25 tổ phụ nữ tiết kiệm có 1.193 thành viên tham gia với tổng nguồn quỹ trên 1,5 tỷ đồng giúp 182 lượt chị vay. Đồng thời 21 chi hội đã huy động quỹ được trên 1,33 tỷ đồng, giúp 250 lượt hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay.

Cán bộ Hội LHPN xã Ea Ô (bìa trái) kiểm tra việc sử dụng vốn vay đầu tư mở rộng quán cà phê của gia đình  chị Dương Thị Đạo ở thôn 8.
Cán bộ Hội LHPN xã Ea Ô (bìa trái) kiểm tra việc sử dụng vốn vay đầu tư mở rộng quán cà phê của gia đình chị Dương Thị Đạo ở thôn 8.

Ngoài ra, nhằm khơi dậy truyền thống tương thân tương ái, đoàn kết tương trợ nhau cùng vượt khó vươn lên, hằng năm Hội LHPN xã đều triển khai cho các chi hội xây dựng kế hoạch giúp đỡ hội viên nghèo có địa chỉ. Theo đó, các chi hội đã phối hợp với các ngành, đoàn thể trong xã khảo sát hộ nghèo nhằm có hướng trợ giúp phù hợp. Từ năm 2017 đến nay, hội viên các chi hội đã giúp 68 chị có hoàn cảnh khó khăn trên 192 kg gạo, 445 triệu đồng và hàng trăm ngày công lao động. Hội LHPN xã còn phối hợp tổ chức hội thảo, tư vấn xuất khẩu lao động cho 200 chị, giới thiệu việc làm cho 2 chị; giúp 4 hội viên khó khăn sửa chữa nhà ở, xây dựng công trình vệ sinh; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu các mô hình kinh tế hiệu quả cho hội viên học tập, nhân rộng.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.