Multimedia Đọc Báo in

Nhớ những mùa Trung thu cũ

14:50, 25/09/2018

Ai cũng đã từng đi qua một thời trẻ thơ với lung linh đèn lồng, đuốc sáng trong đêm rằm tháng Tám cùng với niềm vui được ngồi quây quần bên mâm cỗ là đôi ba kẹo lạc, bỏng ngô, nhà ai khá hơn thì có thêm bánh trung thu được cắt làm tư, làm sáu; là bữa cơm chiều 15 âm lịch, ăn thật nhanh để kịp cùng lũ bạn theo chân đoàn múa lân nhảy múa khắp làng… Thoáng chốc, cái háo hức của trẻ thơ cùng tiếng trống hội đêm rằm tháng Tám giờ chỉ còn là nhung nhớ.

Ngày ấy, Tết Trung thu trong mắt đám trẻ con đẹp lắm, lũ trẻ chúng tôi cứ xem như ngày trọng đại của mình. Từ làng trên xóm dưới, bọn trẻ túm tụm nhau gấp lồng đèn bằng giấy màu xanh, màu đỏ, rồi háo hức mang đi khoe khắp xóm. Nhiều “nhà sáng chế nhí” còn tạo ra đèn lồng từ vỏ lon bia cũ hay chai nước suối trông khá lạ mắt. Chẳng hiểu sao khi ấy, dù đã có lồng đèn được bày bán khắp nơi, đèn ông sao, đèn cá chép, đèn kéo quân… nhưng lũ trẻ con chẳng mấy ưa thích. Có lẽ cái cảm giác cầm trên tay chiếc đèn nến nhỏ lung linh, thi thoảng xin nhau chút lửa châm lại khi nến bị tắt ngúm vì gió nó thú vị hơn nhiều.

Trẻ em buôn Cuôr Kăp, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) thích thú xem múa lân trong ngày Tết Trung thu.
Trẻ em buôn Cuôr Kăp, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) thích thú xem múa lân trong ngày Tết Trung thu.

Ngày ấy, Tết Trung thu trong mắt đám trẻ con đẹp lắm, lũ trẻ chúng tôi cứ xem như ngày trọng đại của mình. Được thỏa sức rồng rắn nhảy múa theo tiếng trống trong đêm hội trăng rằm là những kỷ niệm đẹp nhất của thời tuổi thơ mà không gì có thể mua được.

Rằm Trung thu, ánh trăng trong veo tỏa sáng trên khắp nẻo đường. Trẻ con đứa nào cũng ngước mắt lên chị Hằng để nhìn rõ cây đa, chú Cuội. Mâm cỗ đêm rằm chỉ là những món bánh kẹo trái cây bình thường nhưng đó xem như là phần thưởng cho lũ trẻ trong dịp Trung thu. Sau khi phá cỗ, bọn trẻ từng tốp lại rồng rắn kéo nhau đi chơi.  Lâu lâu tụi nhỏ lại đứng quây quần, chụm đầu vào nhau che gió để mồi lửa vì đèn bị tắt. Có đứa vì mải chạy nhanh theo lân mà để nến thiêu rụi mất đèn, vẻ  mặt tiếc ngẩn ngơ vừa thương vừa ngộ.

Có mùa Trung thu mưa về bất chợt, mấy chú lân cùng lũ trẻ vội tìm chỗ trú ven đường, đứa nào cũng mong trời mau tạnh để lại được nhảy chân sáo theo lân. Cứ thế tiếng cười hòa tiếng trống giòn tan, rộn rã khắp làng trên, xóm dưới… Với lũ trẻ chúng tôi ngày ấy, được thỏa sức rồng rắn nhảy múa theo tiếng trống, được khoác trên mình bộ đồ xanh đỏ trong đêm hội trăng rằm là những kỷ niệm đẹp nhất của thời tuổi thơ mà không gì có thể mua được.

Ngày nay, chẳng cần phải đến đêm rằm tháng Tám, người ta có thể thưởng thức món bánh Trung thu đắt tiền bất cứ lúc nào. Thứ đồ chơi bằng tre nứa, giấy màu cũng thay thế bằng đèn điện với những hình thù ngộ nghĩnh hiện đại. Chẳng cần đợi đến ngày 15 âm lịch, lũ trẻ con cũng đã í ới gõ trống múa lân để tranh thủ “kiếm tiền”. Đêm Trung thu, ở các ngả đường khu vực trung tâm thành phố, những đoàn lân được đào tạo chuyên nghiệp được các nhà hàng, công ty mời đến múa cầu may với giá đắt đỏ. Lân đến vội vã rồi cũng vội vã đi nơi khác cho kịp hẹn. Hòa chung trong không khí ấy, những đội lân nhí ở lứa tuổi tiểu học, trung học cũng tìm đến quán ăn, quán cà phê hoặc nơi đông người để xin “lộc”…

Chợt nhớ thật nhiều những mùa Trung thu cũ, nhớ những đốm sáng lung linh của nến, của đuốc, nhớ những túi áo đầy kẹo mang theo để chia cho lũ bạn. Nhớ những ồn ã vui cười trong veo của tuổi thơ trong đêm rằm tháng Tám!….

                                                     Hồng Chuyên

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.