Multimedia Đọc Báo in

Chuyện người phụ nữ 20 lần hiến máu tình nguyện

16:11, 24/10/2018

Với tâm niệm “Một giọt máu cho đi – một cuộc đời ở lại”, suốt 10 năm qua, chị Nguyễn Thị Phương Thà, Bí thư Đoàn Trường Mẫu giáo Cư Kty, huyện Krông Bông luôn nhiệt tình, tâm huyết với phong trào hiến máu tình nguyện.

Chị Thà kể: Lần đầu tiên chị tham gia hiến máu là khi còn sinh viên. Thời điểm đó phong trào hiến máu tình nguyện còn khá mới mẻ nên khi đăng ký tham gia, chị có chút hồi hộp, lo lắng sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thông tin về hiến máu nhân đạo trên mạng Intrernet và được các bác sĩ tư vấn, chị nhận thấy đây không chỉ là hành động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, trách nhiệm giữa con người với con người mà nó còn giúp đào thải lượng sắt thừa trong cơ thể, nâng cao sức đề kháng nếu hiến máu đúng thời gian, ăn uống đầy đủ.

Chị Nguyễn Thị Phương Thà (bên phải) tích cực tuyên truyền, vận động đồng nghiệp  tham gia hiến máu.
Chị Nguyễn Thị Phương Thà (bên phải) tích cực tuyên truyền, vận động đồng nghiệp tham gia hiến máu.

Khi về công tác tại Trường Mẫu giáo Cư Kty, trong một lần vào bệnh viện, nhìn thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, Phương Thà càng hiểu được giá trị của những giọt máu để người bệnh giành lại sinh mạng. Từ đó, chị càng hăng say gắn bó với phong trào hiến máu tình nguyện. Mỗi khi Hội Chữ thập đỏ huyện hoặc tỉnh tổ chức các đợt hiến máu như: Giọt hồng Tây Nguyên, Hành trình Đỏ… chị đều sắp xếp thời gian để tham gia. Phương Thà tâm sự: "Khi biết mình thường xuyên đi hiến máu, gia đình phản đối dữ lắm, bởi bố mẹ sợ mình mất máu nhiều sẽ xanh xao, ốm yếu. Tuy nhiên, sau một thời gian, ba mẹ thấy sức khỏe con gái vẫn bình thường, thậm chí có phần hồng hào, khỏe khoắn hơn thì đã khích lệ, động viên mình tiếp tục thực hiện nghĩa cử cao đẹp này".

Không chỉ năng nổ, đi đầu trong phong trào hiến máu, nhiều năm qua, chị còn tích cực tuyên truyền về lợi ích của việc hiến máu để người dân nâng cao nhận thức về việc hiến máu cứu người. Từ câu chuyện hiến máu của riêng mình, chị Thà đã thuyết phục, đánh thức tinh thần nhân ái, thiện nguyện của các đoàn viên, thanh niên cũng như những người thân trong gia đình, đồng nghiệp… Trung bình mỗi đợt hiến máu, Thà đều vận động từ 4-5 tình nguyện viên tham gia. Tính từ năm 2008 đến nay, chị đã 20 lần tham gia hiến máu, chị gái chị đã hiến máu 11 lần, em gái hiến máu được 7 lần.

Chị Nguyễn Thị Phương Thà hào hứng tham gia hiến máu.
Chị Nguyễn Thị Phương Thà hào hứng tham gia hiến máu.

Chia sẻ về nghĩa cử cao đẹp của mình, Phương Thà chỉ mong sao mình luôn khỏe mạnh để tiếp tục được tham gia hiến máu và mong muốn phong trào hiến máu nhân đạo ngày càng được các cấp, ngành và địa phương quan tâm hơn nữa để không chỉ đoàn viên, thanh niên mà tất cả mọi người cùng chung tay vì thông điệp: “Máu cứu người ở ngay trái tim của mỗi chúng ta”.

Chị Phương Thà đã nhiều lần được Hội Chữ thập đỏ tỉnh, huyện tôn vinh danh hiệu cá nhân hiến máu tiêu biểu. Mới đây, chị đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen và Kỷ niệm chương vì có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện giai đoạn 2008 - 2017.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.