Những người già không "neo đơn"
Dù tuổi đã cao, con cháu đi làm xa, đôi khi phải ở nhà một mình, nhưng những cụ già lại không cảm thấy cô đơn vì họ biết chia sẻ tình yêu thương với con cháu của buôn làng, với những người đồng cảnh ngộ và nhận lại tình yêu thương từ chính nơi ấy.
Đến buôn Tai (xã Krông Jing, huyện M'Đrắk) hỏi về ông Y Djuih Mlô, bà con nơi đây đều nhận xét: Ông ấy tốt bụng và nhiệt tình lắm, luôn khuyên bà con chăm lo làm ăn, không nghe lời kẻ xấu. Ông là người có uy tín ở buôn làng này. Ông Y Djuih đã có hơn 10 năm làm công tác mặt trận buôn, hằng ngày tiếp xúc với người dân, ông thuộc từng con đường, nhớ rõ từng người, biết hoàn cảnh từng hộ gia đình… quan trọng nhất là dùng tấm lòng và tình cảm để chia sẻ với bà con, nên ai cũng hiểu và thương yêu.
Năm nay ông Y Djuih đã 79 tuổi, nhưng vẫn rất nhanh nhẹn và minh mẫn. Vợ chồng ông có 8 người con, dù trước đây cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng ông bà vẫn cố gắng cho con cái ăn học đầy đủ. Bây giờ, các con đều đã trưởng thành, cuộc sống ổn định, đối với ông đó là điều hạnh phúc. Khi không còn phải quá bận bịu với việc mưu sinh, ông Y Djuih dành thời gian cho công tác xã hội. Ông tâm sự: “Nay già rồi, sức khỏe giảm sút, nhưng đóng góp cho dân làng được gì thì cứ làm”. Vì thế, ông luôn tích cực trong các hoạt động như giáo dục con cháu trong gia đình chăm chỉ học hành, chịu khó lao động sản xuất; giúp đỡ những hộ có hoàn cảnh khó khăn về kinh nghiệm làm kinh tế, về vốn; phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con buôn làng; tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, không nghe theo lời kẻ xấu; không tranh chấp đất đai, nương rẫy...
Thanh niên trong buôn nghe ông Y Djuih Mlô (bìa trái) chỉ bảo, chia sẻ. |
Ở trong buôn, khi xảy ra sự việc mâu thuẫn, xích mích, ông tìm hiểu rõ nguyên nhân rồi phân tích đúng, sai và hòa giải sao cho thấu tình đạt lý. Hay khi xảy ra tình trạng thanh niên uống rượu say và vi phạm an toàn giao thông làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự, ông lựa thời điểm tìm gặp các cháu và nhẹ nhàng khuyên nhủ, chỉ bảo, để từ từ hiểu ra và thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Đặc biệt, ông luôn động viên thanh niên đến tuổi đi khám nghĩa vụ quân sự theo quy định, vừa tuân thủ chính sách pháp luật của nhà nước, vừa rèn luyện bản thân. Nhờ vậy, nhiều năm nay trong buôn không có trường hợp nào trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
Chính từ những việc làm thiết thực, ý nghĩa, già Y Djuih luôn được bà con yêu thương tin tưởng, là chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần không chỉ cho con cháu trong gia đình, mà cho cả thế hệ trẻ của buôn làng. Đó là niềm vui, đồng thời cũng là trách nhiệm của một người cao tuổi. Điều đó thôi thúc ông tiếp tục cống hiến để góp phần xây dựng buôn làng ngày càng bình yên, giàu đẹp.
Cụ Trần Văn Úy (sinh năm 1936) ở tại thôn 1, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột lại là một điểm tựa cho những người cùng hoàn cảnh. Căn nhà nhỏ của cụ luôn đông đúc người ra vào mỗi sớm tối. Đó là những người cao tuổi trong thôn, bà con, hàng xóm gặp gỡ, chia sẻ về cuộc sống.
Cụ Úy quê gốc ở Thái Bình, vào Đắk Lắk năm 1977 để xây dựng kinh tế mới. Đến nay cả 8 người con của cụ đều lập nghiệp ở xa, mỗi năm đại gia đình mới có dịp đoàn tụ đông đủ một đôi lần nhưng cụ chia sẻ rằng không vì thế mà ông bà cảm thấy buồn hay tủi thân. Đơn giản vì cuộc sống là như vậy, con cái lớn rồi ai cũng có cuộc sống riêng, nơi nào thích hợp thì sẽ chọn để an cư lập nghiệp. Còn với ông bà, dù các con không ở bên cạnh nhưng có những người bạn già cùng cảnh ngộ, nương tựa tinh thần cùng nhau tận hưởng niềm vui tuổi xế chiều đã là niềm hạnh phúc.
Ngôi nhà cụ Trần Văn Úy (bên trái) là điểm gặp gỡ , chia sẻ của hội viên người cao tuổi. |
Đã có 14 năm làm Chi hội phó Chi hội Người cao tuổi của thôn, cụ Úy nắm rõ hoàn cảnh từng hội viên, người nào bị ốm đau, gia đình có việc đặc biệt…, cụ luôn đến tận nhà để thăm hỏi, chia sẻ, động viên, cho dù phương tiện đi lại chỉ là chiếc xe đạp cũ mà địa bàn thôn thì rộng. Ông Nguyễn Tất Sáng, hội viên trong chi hội cho hay: “Cụ Úy luôn quan tâm đến những hội viên khác, là chỗ dựa tinh thần cho chúng tôi. Mỗi ngày được trò chuyện cùng nhau là chúng tôi vui lắm!”. Cụ Úy cũng vui vẻ tâm sự chân tình rằng: Cách đây 2 năm, cụ bị ốm nặng tưởng đã về với tổ tiên, nhưng được sự quan tâm chăm sóc của con cháu, đặc biệt là những người bạn già, hầu như mọi người đều đến thăm hỏi, cụ như được tiếp thêm sức lực, đã khỏe trở lại. Từ đó, cụ càng trân trọng hơn tình cảm quý giá này.
Những người già có uy tín trong cộng đồng như ông Y Djuih, cụ Úy thực sự phát huy tinh thần sống vui, sống khỏe, sống có ích, góp phần làm nên nét đẹp truyền thống dân tộc "Trẻ xông pha, già mẫu mực".
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc