Multimedia Đọc Báo in

Thí điểm thực hiện gói bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn linh hoạt

08:43, 17/10/2018

Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ thí điểm thực hiện chính sách về gói bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều lựa chọn tham gia và thụ hưởng.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật để cải cách chính sách BHXH

Ngày 8-10-2018, Chính phủ đã có Nghị quyết 125/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Nghị quyết đề ra là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và pháp luật có liên quan để thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách BHXH. Nghị quyết giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan, bộ ngành liên quan rà soát hệ thống pháp luật về BHXH, BHTN và pháp luật có liên quan về lao động, tiền lương, việc làm, bảo trợ xã hội… trình Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan có thẩm quyền theo chức năng xây dựng, ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ cho phù hợp. Đồng thời, nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ thí điểm thực hiện chính sách về gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng; theo dõi, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội.

Cán bộ BHXH tỉnh tiếp nhận, giải quyết hồ sơ liên quan đến BHXH của người dân.
Cán bộ BHXH tỉnh tiếp nhận, giải quyết hồ sơ liên quan đến BHXH của người dân.

Nghị quyết cũng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ; xây dựng lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình từ năm 2021, sửa đổi quy định tiền lương nhằm tạo thuận lợi cho việc xác định căn cứ đóng BHXH của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động.

Nghị quyết 125/NQ-CP của Chính phủ đề ra các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2021, phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện, Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện làm cơ sở hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH; sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, chính sách BHTN, chính sách việc làm theo hướng chú trọng xây dựng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động...

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH

Cùng với đó, Nghị quyết 125/NQ-CP của Chính phủ cũng đề ra các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH, bao gồm: xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương, triển khai thực hiện từ năm 2019; xây dựng Đề án đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng, hiệu quả hoạt động tổ chức thực hiện BHXH, trong đó xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng cung ứng dịch vụ của cơ quan BHXH, chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH. Đồng thời, xây dựng và trình Chính phủ Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư quỹ BHXH theo hướng đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư bảo đảm nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả.

Ngoài ra, Nghị quyết yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tăng cường sự kết nối cơ sở dữ liệu về khám chữa bệnh; dữ liệu về cấp hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ thực hiện chế độ BHXH, giải quyết, chi trả các chế độ BHXH nhằm ngăn chặn các hành vi trục lợi, gian lận tiền BHXH. Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam và các cơ quan có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHTN, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH, BHTN; xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn việc tăng cường phối hợp, chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động để nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng tham gia BHXH và thực thi chính sách BHXH.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.