Multimedia Đọc Báo in

Đất lành – hoa nở

07:05, 06/02/2019

Trước đây, người trồng hoa ở TP. Buôn Ma Thuột chỉ quen trồng các loại hoa truyền thống như cúc, lay ơn…để bán cho người dân địa phương vào những dịp lễ, Tết. Nay thì đã khác, họ mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện kỹ thuật để “nhập cư” nhiều giống hoa mới lạ từ các nơi khác về trồng.

Nào là hoa hồng đủ loại, đồng tiền, ngàn sao, lili, tulip, chổi tím…đều đã có mặt trên vùng đất này. Có điều rất lạ, tất thảy “công dân hoa” được nhập cư vào Buôn Ma Thuột đều không trải qua cuộc trút bỏ dần gốc gác bản quán của mình để trở thành tên gọi chung như xứ sở ngàn hoa Đà Lạt, mà vẫn giữ được đặc tính cố hữu của nó.

Chị Thân Thị Hạnh, chủ vựa hoa Hồng Hạnh ở khối 10, phường Tân An - TP. Buôn Ma Thuột chỉ rõ điều này: Cứ nhìn vào màu sắc là nhận ra ngay quê xứ của các loài hoa. Cũng là lay ơn, nhưng xuất xứ Đà Lạt thì màu sắc tươi tắn hơn, thân to dài bóng láng hơn nơi khác. Hay như hoa hồng, loa kèn Đồng Tháp thì cánh mỏng, cùi dày nên lâu tàn phai. Rồi lay ơn, đồng tiền, tulip đi ra từ những làng hoa Ngọc Hồi, Quảng Bạ (Hà Nội), Tuy Hòa (Phú Yên) hay Tây Lộc (Huế) đều giữ được cốt cách, tinh thần của mình trên vùng đất mới. Nói thế để thấy rằng, Buôn Ma Thuột là đất lành, có thể dung dưỡng tất cả các loài hoa từ nơi khác đổ về bám rễ, mà không làm mất đi bản sắc giống loài.

Trang trại hoa Sa Dec Rose  tại TP. Buôn Ma Thuột.
Trang trại hoa Sa Dec Rose tại TP. Buôn Ma Thuột.

Lý giải đặc điểm này không khó, đó là do đất đai, khí hậu, thời tiết ở Buôn Ma Thuột có vẻ dung hòa, không quá ưu đãi như Đà Lạt và cũng chẳng khắc nghiệt như một số tỉnh thành ở miền Bắc, vùng Duyên hải miền Trung và Nam Bộ nên hoa được trồng ở đây khá thuận lợi, dễ dàng. Có lẽ cũng vì yếu tố “trung tính” ấy mà nhiều người lên Buôn Ma Thuột lập trang trại trồng hoa. Chị Đỗ Mai Trang - chủ trang trại hoa Sa Dec Rose (khối phố 11, phường Tân An) thừa nhận yếu tố tự nhiên ở thành phố này rất tốt lành để cho mọi loài hoa sinh trưởng và phát triển. Ví như các giống hồng (thân bụi, thân leo) mà thương hiệu Sa Dec Rose đưa lên trồng và bán thì không khác gì ở Đồng Tháp. Sự tương đồng này, theo chị Trang là không dễ gì có được ở những vùng đất khác. Nếu đưa lên Đà Lạt thì một thời gian sau chắc chắn hồng Sa Đéc sẽ biến thành hồng Đà Lạt mất do đặc ân của trời đất ban tặng cho xứ ôn đới này; còn đưa ra Bình Định, Phú Yên, Huế… thì hương sắc của nó dần phai lạt đi rất nhiều.

Có lẽ vì thế mà Buôn Ma Thuột ngày càng xuất hiện nhiều trang trại trồng và bán hoa từ các vùng miền trên cả nước tụ về: ngoài Sa Dec Rose còn có Ngọc Hà, Hồng Hạnh (Phường Tân An) và Hà Thành (xã Ea Tu). Nhiều người nghĩ rằng, biết đâu đến một lúc nào đó tất cả các “công dân hoa” nhập cư vào đây sẽ có tên gọi chung: Hoa Buôn Ma Thuột (với hàm nghĩa đa sắc màu), nếu như ngành nông nghiệp ở địa phương hướng tới mục tiêu xây dựng vùng trồng hoa hàng hóa đúng nghĩa.  

  Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.