Khi cán bộ dân số là... đàn ông
Nói đến cán bộ dân số, nhiều người vẫn nghĩ đến hình ảnh các bà, các chị hằng ngày “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đinh (KHHGĐ). Thế nhưng, thời gian qua, trên địa bàn huyện M’Đrắk có nhiều cán bộ dân số là nam giới; bằng sự nhiệt tình, tâm huyết với công việc, họ đã đóng góp không nhỏ vào công tác dân số -KHHGĐ ở địa phương.
Tham gia công tác dân số tính đến nay đã được gần 9 năm, anh Phạm Văn Thiện, cán bộ chuyên trách dân số xã Cư Prao nhớ lại những ngày đầu mới nhận nhiệm vụ, anh đã gặp không ít khó khăn, thử thách bởi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền còn hạn chế; nhiều chị em e dè, ngại trao đổi về các vấn đề giới tính, sinh đẻ, tránh thai với đàn ông... Bên cạnh đó, địa bàn xã rộng; trình độ dân trí không đồng đều; quan niệm về sinh con trai để nối dõi tông đường vẫn còn nặng nề trong người dân. Đặc biệt, việc “bất đồng ngôn ngữ” ở xã có gần 40% dân số là người dân tộc thiểu số như Êđê, Tày, Nùng, Mường càng khiến công tác tuyên truyền thêm khó khăn.
Công việc của anh Thiện, Y Nhan đã giúp nhiều người thay đổi suy nghĩ rằng làm cộng tác viên dân số chỉ dành cho nữ giới. Khi đã nhiệt tình, năng nổ, nam giới cũng có thể làm rất tốt công việc này. |
Với quyết tâm trụ lại với nghề, anh Thiện đã khắc phục khó khăn bằng cách tích cực trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nói trước đám đông và tìm hiểu những ví dụ thực tế sinh động sát với tình hình dân số của địa phương để trò chuyện với người dân. Bên cạnh đó, anh tranh thủ sự giúp đỡ của các ban tự quản buôn, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trưởng nhóm tôn giáo... cùng phối hợp tuyên truyền về chính sách Dân số - KHHGĐ, những hệ lụy khi sinh con thứ ba, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số để bà con hiểu. Sự tận tụy, tích cực trong công việc của anh khiến người dân hiểu, thông cảm và cộng tác hơn. Nhờ vậy, những chỉ tiêu về dân số của xã Cư Prao có nhiều chuyển biến tích cực như tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt từ 67- 68%/năm; tỷ suất sinh thô năm 2018 là 15,39 %o, giảm 1,94%o so với năm 2017; tỷ lệ sinh con thứ ba là 15,29%, giảm 0,5% so với năm 2017.
Anh Phạm Văn Thiện tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ cho người dân xã Cư Prao. |
Cũng có “thâm niên” không kém, đến nay anh Y Nhan Niê, cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Trang đã có gần 10 năm tham gia công tác dân số. Trong quá trình công tác, anh Y Nhan phải vượt qua nhiều khó khăn bởi đời sống của người dân còn nhiều vất vả, bà con sống chủ yếu bằng nghề nông, nhận thức về các mặt xã hội, nhất là KHHGĐ còn nhiều hạn chế. Nhiều gia đình có tư tưởng sinh đông con cho vui cửa vui nhà.
Là người dân tộc Êđê, chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn trong buôn do sinh nhiều con, tảo hôn, anh Y Nhan đã vượt khó, tìm tòi, học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn về dân số và khéo léo sử dụng chính ngôn ngữ của dân tộc mình, lồng ghép trong các cuộc họp thôn, buôn, sinh hoạt của các đoàn thể như: Phụ nữ, thanh niên, nông dân... để tuyên truyền về chính sách Dân số - KHHGĐ. Sự kiên trì, tâm huyết với công việc của anh Y Nhan đã góp phần không nhỏ giảm tỷ lệ sinh con thứ ba và tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở địa phương. Năm 2018, xã Ea Trang có 1.118 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba giảm 0,2%; số trường hợp tảo hôn cũng giảm đáng kể.
Ý kiến bạn đọc